Thứ ba, 28/05/2019,16:42 (GMT+7)
Cây màu bén rễ trên vùng đất phèn Vĩnh An
Trung tuần tháng 5-2019, tôi đến vùng đất An Nhơn và An Quới thuộc xã Vĩnh An, huyện Ba Tri. Vùng đất trồng lúa nằm cạnh cống Giồng Quý giờ đã được cây rau màu thay thế dần, với một màu xanh mơn mởn.
 
Ông Y chăm sóc rau màu trong nhà lưới, với hệ thống tưới tự động.

Ông Y chăm sóc rau màu trong nhà lưới, với hệ thống tưới tự động.

Gắn bó rau màu

Nói đến trồng rau màu, người dân Vĩnh An không quên nhắc cái tên Trương Văn Y, ở ấp An Nhơn. Ở tuổi 58 nhưng ông Y đã có 30 năm gắn bó với nghề trồng rau màu. Từ 2 công đất trồng lúa 1 vụ/năm, năng suất không cao, ông Y đã cải tạo chuyển sang trồng rau màu. Với sự cần cù chịu khó, ông Y đã bén duyên và khá thành công khi đến với rau màu. Ông đã có được khoản tiền tích lũy mua thêm 3 công đất nữa cũng để trồng rau màu.

Khi tuyến đê ngăn mặn ven sông Hàm Luông định hình. Những hộ dân có phần đất nằm ngoài tuyến đê ngăn mặn, dọc sông Hàm Luông nuôi tôm biển. Hộ nằm phía trong tuyến đê tận dụng nguồn nước ngọt trồng lúa và rau màu. Ông Y vẫn trung thành gắn bó với rau màu. Được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do Hội Nông dân xã, Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức cộng với kinh nghiệm thực tiễn, ông Y mỗi ngày một thành công hơn trong chăm sóc cây rau màu. Ngoài ra, gia đình ông đã có điều kiện phát triển đàn bò gần 20 con.

Là một nông dân chính hiệu, ông Y hăng say lao động. Ngoài 5 công đất trồng rau màu, năm 2005 ông đến xã lân cận - An Hòa Tây thuê 2ha đất đầu tư nuôi tôm biển. Những vụ tôm nuôi thành công thì ít nhưng tôm nguyên liệu bán được giá thấp còn vụ nuôi thất thì bại nhiều. Con tôm biển đã lần lượt nuốt chửng khoản tiền ông thu được từ trồng rau màu và cả đàn bò nuôi trong chuồng.

10 năm đến với con tôm biển trắng tay, ông Y nghiệm ra rằng: “Bản thân tôi không thỏa mãn 2 điều kiện, đó là kỹ thuật chăm sóc tôm biển còn quá non và không đủ tiền đầu tư sau những vụ nuôi đã thất bại”.

Tất cả vật dụng trong căn chòi nuôi tôm biển, ông Y đều cho người làm công và tay không trở về gắn bó với 5 công đất trồng rau màu. Biến đổi khí hậu diễn ra ở huyện biển như Ba Tri được nhận diện ngày càng rõ hơn. Thời tiết cực đoan, vào mùa nắng nóng như đỗ lửa rồi nhiệt độ lại đột ngột hạ xuống. Vì vậy, ông Y đã nghĩ đến việc đầu tư nhà lưới để trồng rau màu. Trong 5 công đất trồng rau màu thì ông chọn  nơi có diện tích 3 công để đầu tư nhà lưới. Ông Y lý giải: “Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi đột ngột giảm xuống làm cho rau màu rất khó thích nghi. Nên khi có nhà lưới đã phần nào giảm độ nóng tác động trực tiếp vào rau màu. Dã lại, có nhà lưới ngăn được sâu bệnh tấn công cây rau màu trồng, giảm được chi phí phân thuốc đầu vào. Cái được lớn hơn vẫn là ít sử dụng phân thuốc hóa học đồng nghĩa trước hết bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình rồi đến người tiêu dùng”.

Không còn nuôi tôm biển, ông Y chỉ tập trung duy nhất cho trồng rau màu. Ông đã từng bước gầy lại đàn bò được hơn 10 con. Rau màu trồng trong nhà lưới, ông ưu tiên trồng cải lá, với các chủng loại như cải thìa, cải ngọt, cải bẹ xanh.... 2 công đất chưa đầu tư nhà lưới, ông chọn các chủng loại rau màu ít bị sâu bệnh tấn công để trồng. 5 công đất trồng rau màu đều được ông đầu tư hệ thống tưới tự động, chỉ cần bật cầu dao điện là nước phun đều lên rau màu đang trồng. Các chủng loại rau màu trồng từ 20-25 ngày là thu hoạch, giá bán từ 5-7 nghìn đồng/kg. Sau đó, ông ngưng trồng khoảng 1 tuần lễ để cải tạo đất. Từ việc ủ phân bò cho oai kết hợp vôi và phân lân để bón vào đất, rau màu trồng tiếp nhận đầy đủ chất để sinh trưởng và phát triển. Các chủng loại rau mà trồng trong nhà lưới đã hạn chế mức thấp nhất việc bón phân và phun thuốc hóa học nhưng vẫn phát triển tươi tốt. Ông Y bộc bạch: “Rau màu trồng trong nhà lưới thu hoạch trông rất đẹp so với trồng ngoài nhà lưới. Nên thương lái luôn ưu tiên thu mua so với các hộ khác không trồng trong nhà lưới. Rau màu trồng thu hoạch năng suất cũng cao hơn khoảng 30% so với trồng ngoài nhà lưới”.

Mỗi tháng, ông Y đều có rau màu thu hoạch để bán cho thương lái. Thương lái đến tận nhà thu mua rồi chuyển đến các chợ trong và ngoài huyện tiêu thụ. Rau màu trồng hàng tháng thu hoạch trong bình đem lại nguồn thu 5 triệu đồng/công.

Trở lại với cây rau màu, kinh tế gia đình ông Y đã thật sự “hồi sinh”. Năm 2018, ông đã có điều kiện xây dựng căn nhà tường kiên cố, trang trí nội thất khang trang. 3 đứa con của ông cũng đã ăn học thành đạt.

Hình thành vùng trồng rau màu

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An Nguyễn Văn Bum, khi có tuyến đê ngăn mặn dọc theo sông Hàm Luông đã định hình rõ nét cây trồng vật nuôi. Diện tích đất ngoài đê, ảnh hưởng mặn khuyến khích đầu tư nuôi tôm biển. Phần diện tích đất trong đê, có hệ thống kênh nội đồng đồng bộ, ưu tiên trồng 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, hai ấp An Nhơn và An Quới của Vĩnh An nằm gần cống Giồng Quý, chủ yếu là xả nước nội đồng ra sông Hàm Luông. Nên vùng đất thuộc hai ấp này đã ảnh hưởng phèn ngày một nặng. Cây lúa trồng năng suất có xu hướng giảm. Vì vậy, người dân đã chuyển sang cải tạo để trồng rau màu kết hợp với phát triển đàn bò. Hiện có khoảng 100ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng rau màu và trồng cỏ để nuôi bò. Toàn xã Vĩnh An có hơn 172ha đất trồng rau màu, trong đó tập trung vẫn là ấp An Nhơn và An Quới - Trọng điểm trồng màu của xã. Đất của hộ dân nếu cho thuê trồng lúa, thu hoạch 3 vụ/năm nhưng giá chỉ 1 triệu đồng/công/năm, còn cho thuê trồng rau màu hay trồng cỏ thì giá phải 3 triệu đồng/năm. Nguyên nhân do, đất trồng rau màu luôn đem lại nguồn thu cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Vì vậy, những năm gần đây, Hội Nông dân xã đã phối hợp với ngành hữu quan tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, trung bình mỗi năm có từ 3-4 lớp tập huấn, với 40-45 nông dân tham dự/lớp. Gần đây, Hội Nông dân xã tiến thêm bước nữa là hướng dẫn nông dân trồng rau màu theo hướng an toàn, cách ly phân thuốc đúng theo khuyến cáo, để sản phẩm thu hoạch không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng theo ông Bum, xã có hộ ông Trương Văn Y tiên phong đầu tư nhà lưới để trồng rau màu. Tuy giá bán rau màu trồng trong nhà lưới chưa có sự chênh lệch nhiều nhưng thương lái vẫn ưu tiên mua rau màu trong nhà lưới hơn so với trồng bên ngoài.

“Chi phí đầu tư nhà lưới nằm trong khả năng hộ dân. Ấp An Nhơn cũng đã tiên phong thành lập tổ liên kết trồng rau màu, với 32 hội viên do ông Trương Văn Y làm tổ trưởng. Các thành viên trong tổ đã chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, hướng đến tăng năng suất và chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Vấn đề Hội Nông dân xã Vĩnh An quan tâm là tìm doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, Nông dân có thể chăm sóc rau màu theo quy trình của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp phải cam kết thu mua hết sản phẩm của nông dân, không được lựa chọn mua một phần, phần còn lại nông dân rất khó tiêu thụ. Giá cả phải tương xứng với công sức, chi phí bỏ ra, tạo sự khác biệt so với nông dân chăm sóc rau màu theo truyền thống. Có như thế, mới tạo sự hấp dẫn cho người trồng rau màu, và tạo sự gắn kết bền vững trên tinh thần hài hòa lợi ích cả hai phía” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh An Nguyễn Văn Bum cho biết thêm.

Bài, ảnh: Trần Quốc - (baodongkhoi.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu