Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất mía được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) phối hợp Trạm TT-BVTV huyện Mỹ Tú thực hiện với diện tích 1ha/3 hộ, thuộc ấp Mỹ Khánh A và Tân Phước A1, xã Long Hưng (Mỹ Tú).
Hộ dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% về giống, phân bón hữu cơ, thuốc (chế phẩm sinh học) và sẽ hỗ trợ hộ canh tác 2 vụ/năm; cùng với đó hộ dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong suốt mùa vụ sản xuất để rau, màu canh tác đạt năng suất, chất lượng tốt nhất và sản phẩm sau thu hoạch được hỗ trợ liên kết đầu ra ổn định.
Một trong những loại rau màu được bà con triển khai thực hiện trong mô hình là cây khổ qua. Qua 2 mùa vụ canh tác, hộ dân thu về lợi nhuận cao.
Chị Trần Thị Bạch Mai, ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng (ngồi phía đầu ghe) giới thiệu giàn khổ qua sai trái. Ảnh: THÚY LIỄU
Ghé tham quan mô hình trồng khổ qua của chị Trần Thị Bạch Mai, ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng, chị đưa chúng tôi đi một vòng khu rẫy trồng khổ qua diện tích gần 6.000m2 để khoe thành quả canh tác tại hộ. Chị Bạch Mai tâm tình: “Tôi cũng từng gắn bó với nghề làm rẫy nhưng chưa bao giờ trồng khổ qua đạt năng suất, chất lượng cao như thời điểm hiện tại.
Được ngành chuyên môn hỗ trợ, tôi thực hiện đúng theo các quy trình kỹ thuật hướng dẫn từ khâu làm đất, gieo hạt cho đến bón phân, phun chế phẩm sinh học nên trái thu hoạch có độ lớn đồng đều, thời gian thu hoạch kéo dài gấp đôi so cách trồng truyền thống, năng suất trái cao, chất lượng tốt, thương lái thu mua khổ qua giá cao hơn, chi phí đầu tư giảm từ 5 triệu đồng/1.000m2 xuống chỉ tầm trên 1 triệu đồng/m2 nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ…”.
Chị Mai cho biết thêm, như vậy, với gần 6.000m2 trồng khổ qua, chỉ trong thời gian xuống giống từ 30 - 35 ngày là thu hoạch trái, mỗi ngày từ 400 - 500kg, dự kiến kết thúc mùa gieo trồng thu về tổng sản lượng hơn 10 tấn, trừ chi phí thuê mướn nhân công lao động xuyên suốt thì lợi nhuận trên 80 triệu đồng (giá bán 6.000 - 9.000 đồng/kg tùy thời điểm).
Với hiệu quả này, chị đang mở rộng thêm diện tích trồng là 1ha. Hiện tại, khổ qua đang giai đoạn phát triển, tới đây sẽ thu về lượng trái lớn, đem lại nguồn thu nhập tăng cao tại hộ…
Phó trưởng Trạm TT-BVTV huyện Mỹ Tú Nguyễn Thị Hồng Cẩm thông tin, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất mía để sản xuất cây màu theo hướng hữu cơ, cụ thể là trồng khổ qua có vài hộ thực hiện có hiệu quả, để nhiều hộ tham quan và mạnh dạn chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang trồng màu theo hướng hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất màu ổn định đời sống. Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận thu từ cây màu gần 52 triệu đồng/ha/vụ; màu có thể canh tác nhiều vụ trong năm.
Việc trồng màu theo hướng hữu cơ giúp môi trường sản xuất được cải thiện nhờ nông dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, màng phủ nông nghiệp nên hạn chế dịch bệnh trên màu, hạn chế tối đa việc người sản xuất phun các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, góp phần để địa phương xây dựng các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất mía, kém hiệu quả theo hướng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thu mua, chế biến, chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ và kinh doanh sản phẩm rau màu theo hướng hữu cơ, với sản lượng lớn phân phối trên thị trường…
THÚY LIỄU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)