Thứ hai, 23/12/2019,07:49 (GMT+7)
Chăm lo giáo dục mầm non
Đầu tháng 12-2019, tại Cần Thơ diễn ra 2 hội thảo bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó chăm lo cho bậc học mầm non lại trở thành vấn đề được cán bộ quản lý, nhà khoa học quan tâm.
Vất vả, lương thấp
 
Trong các bậc học, giáo viên mầm non được xem là nhà giáo đa năng. Bởi các cô không chỉ là giáo viên, bảo mẫu mà còn kiêm diễn viên, ca sĩ, họa sĩ…, chăm sóc trẻ từ sáng sớm đến cuối ngày. Việc chọn và bám trụ lâu dài với công việc này đòi hỏi niềm đam mê và tình yêu thương. Một giáo viên trường mầm non ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cho biết: “Trước 6 giờ sáng, giáo viên có mặt tại trường để đón trẻ. Khoảng 16 giờ 30, các cô trả trẻ cho phụ huynh, song có khi đến hơn 17 giờ mới có thể ra về, vì có phụ huynh đón cháu trễ. Yêu nghề, thương trẻ mới gắn bó lâu dài với trường mầm non được”.
 
Theo Điều 4, Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành: giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Thế nhưng, tại Hội thảo đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp học mầm non, do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Cần Thơ mới đây, đại diện các tỉnh, thành ĐBSCL và cả nước cho rằng phần lớn giáo viên mầm non đều dạy hơn số giờ quy định.
 
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: Giáo viên mầm non dạy 40 giờ/ tuần - số giờ cao nhất trong các bậc học, nhưng mức lương lại thấp nhất, phải đi sớm đón trẻ, về rất trễ. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Lệ Giang cũng cho rằng, sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non khá nhiều, nhưng khi ra trường lại không nhận nhiệm sở và cũng không đăng ký dự tuyển. Nguyên nhân là do thời gian làm việc vất vả. Số tiền tăng thêm cho giáo viên, cấp dưỡng chưa tương xứng so với công sức.
 
Tại Hội thảo “Bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, được tổ chức tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến (Học viện Quản lý giáo dục), cho rằng: Công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo mầm non còn nhiều khó khăn. Biên chế giáo viên mầm non rất hạn chế, trong khi lương của giáo viên hợp đồng quá thấp, dẫn đến tình trạng nhiều nơi khó tuyển dụng giáo viên.  
 
Đảm bảo chế độ tiền lương
 
Để khắc phục tình trạng bất cập ở bậc học mầm non, cán bộ quản lý ngành giáo GD&ĐT các địa phương, rất cần có cơ chế chính sách đãi ngộ cho giáo viên, nhân viên cấp học mầm non. Trong nhóm 4 giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non, GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến nhấn mạnh về các chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần được luật hóa để bảo đảm giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành cao, bảo đảm điều chỉnh công bằng đối với tất cả đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở trường công lập và ngoài công lập. GS.TS Hoàng Yến cho rằng: Thực hiện các chính sách, chế độ trong tuyển dụng nên xóa bỏ phân biệt giáo viên trong biên chế, trong hợp đồng. Bảo đảm tiền lương cho nhà giáo, thực sự trở thành động lực công việc cho nhà giáo; chế độ phụ cấp (ưu đãi, thâm niên…) và bảo lưu chế độ cho nhà giáo khi được điều động công tác về các cơ quan, quản lý giáo dục…
 
Giờ học cô trò Trường Mầm non Trung An, huyện Cờ Đỏ.
 
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, ngành giáo dục Cà Mau đã xây dựng đề án trình HĐND tỉnh về quy hoạch mạng lưới trường học và mời gọi đầu tư (giai đoạn 2019-2025), trong đó ưu tiên thu hút giáo viên và nhân lực cho bậc mầm non. Ông Liêm cho biết: “Tỉnh Cà Mau sẽ có chính sách cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên ngành sư phạm mầm non để hỗ trợ chi phí trong việc học. Mục tuyển dụng sẽ không hạn chế giáo viên trong hay ngoài tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện cho giáo viên mầm non nơi khác đến công tác”.
 
Đối với cơ sở giáo dục ở các vùng khó khăn, giáo viên phải vừa đứng lớp, vừa nấu ăn. Nhiều đại biểu kiến nghị, Bộ GD&ĐT có thể xem xét chuyển đổi chức danh nghề nghiệp để giáo viên mầm non có bằng cấp cao đẳng, đại học được hưởng mức lương cao hơn, có như vậy mới tuyển và giữ chân giáo viên công tác lâu dài.
 
Mầm non là bậc học đầu tiên, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học tiếp theo. Việc chăm lo bậc học mầm non nói chung, đội ngũ nhà giáo mầm non nói riêng là bức thiết.
 
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu