Thứ tư, 19/10/2022,09:10 (GMT+7)
Chấn chỉnh chuỗi cung ứng nông sản Việt
Cần những giải pháp căn cơ để xóa nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng như lập lại công bằng trong kinh doanh nông sản, dẹp chợ tự phát
 
Ngày 17-10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã khảo sát chuỗi giá trị nông sản tại TP HCM từ chợ đầu mối, siêu thị, nhà máy giết mổ gia súc - chế biến thực phẩm và một số trang trại rau quả công nghệ cao ngoại thành.
 
Phải hướng đến số hóa chợ
Tham gia đoàn công tác có đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, Sở NN-PTNT TP HCM, Cục Quản lý Chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi…
 
Lúc 3 giờ ngày 17-10, tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), đoàn công tác đã khảo sát các khu vực kinh doanh thủy hải sản tươi sống, rau củ quả, thịt heo. Đây là chợ đầu mối nông sản có quy mô lớn nhất nước. Theo ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, sản lượng hàng hóa nhập chợ bình quân 2.500 tấn/ngày đêm, giá trị luân chuyển hàng hóa khoảng 150 tỉ đồng/ngày.
 
Làm việc tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Thời gian qua, chúng ta chủ yếu tập trung kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch cho nông sản bởi đơn giản nếu không làm thì nước nhập khẩu không chấp nhận. Với thị trường nội địa, quản lý khó hơn nhưng đã đến lúc phải chấn chỉnh. Nếu không làm tốt về an toàn thực phẩm tại thị trường nội địa thì xuất khẩu chập chờn và rất khó phát triển thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài".
 
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cái khó của nông nghiệp Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, quá nhiều đầu mối tham gia nên rất khó quản lý. Ví dụ như chợ đầu mối Bình Điền, quy mô gần 25 ha có đến 1.800 thương nhân, trong khi chợ đầu mối Rungis (Paris - Pháp) diện tích hơn 200 ha nhưng chỉ khoảng 200 thương nhân. Càng nhiều đầu mối càng khó quản lý. Công ty quản lý chợ đầu mối Bình Điền có thể giảm bớt đầu mối bằng việc thành lập các nhóm, mỗi nhóm khoảng 10 thương nhân thì việc quản lý sẽ dễ dàng, chặt chẽ hơn.
 
Đại diện các cơ quan chuyên môn cũng góp ý chợ đầu mối Bình Điền cần đầu tư nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng để bảo đảm tốt hơn an toàn thực phẩm, tính toán đến phương án số hóa sổ sách về nguồn gốc hàng hóa thay cho ghi chép thủ công như hiện nay.
 
Sau khi kiểm tra chợ Bình Điền, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến siêu thị MM Mega Market (TP Thủ Đức). Việc số hóa quản lý của hệ thống siêu thị này được đoàn công tác đánh giá cao, không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà người tiêu dùng còn dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng điện thoại thông minh. 
 
Đến nay, siêu thị đã xây dựng được vùng nguyên liệu thông qua việc hợp tác với nông dân và bao tiêu khoảng 80% sản lượng. Đặc biệt, siêu thị thực hiện chính sách thanh toán sau 7 ngày nhận hàng thay vì để công nợ kéo dài 1-2 tháng, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
 
Chấn chỉnh chuỗi cung ứng nông sản Việt - Ảnh 1.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) dùng điện thoại thông minh kiểm tra nguồn gốc nông sản tại siêu thị MM Mega Market (TP Thủ Đức, TP HCM)
 
Phải dẹp ngay chợ tự phát!
Qua kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy chung quanh chợ đầu mối là chợ tự phát hoạt động rất nhộn nhịp. Theo bộ trưởng, kiểu làm như vậy là không ổn. Trong khi tiểu thương, thương nhân trong chợ phải đóng thuế, chịu sự kiểm soát an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng thì bên ngoài bỏ ngỏ.
 
Một thành viên đoàn công tác cho hay hoạt động kinh doanh tự phát gây ra cạnh tranh không công bằng, cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự đô thị. Như ở chợ đầu mối Bình Điền, chợ tự phát chiếm hết mặt đường Quản Trọng Linh (đường dẫn vào chợ) và tràn ra cả đại lộ Nguyễn Văn Linh, gây mất trật tự giao thông.
 
Câu chuyện chợ tự phát cũng được lãnh đạo Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) phản ánh khi đoàn công tác làm việc với công ty này. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan, nói chợ tự phát xung quanh chợ khiến các sạp thịt của Vissan bên trong ế ẩm. 
 
"Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển thịt heo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Vissan kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, giải tỏa các chợ tự phát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng" - ông Khoa nói.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, khẳng định đây là vấn đề thành phố đang tập trung chấn chỉnh. Bởi lẽ, nông sản, thực phẩm tại các chợ tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn mất an toàn thực phẩm. Điều này cũng tạo sự không công bằng cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh hợp pháp.
 
"TP HCM đã ra nhiều văn bản chấn chỉnh tình hình này, tôi tin rằng các địa phương sẽ từng bước xử lý, không thể để tình trạng buôn bán bất hợp pháp tràn lan" - bà Lan nhấn mạnh.
 
Dự kiến ngày 18-10, đoàn công tác tiếp tục khảo sát một số chợ, siêu thị, doanh nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết qua chương trình khảo sát thực tế này để nắm lại chuỗi giá trị nông sản, nhận diện những bất ổn nhằm tìm giải pháp khắc phục.
 
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cần những giải pháp căn cơ để xóa nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng như lập lại công bằng trong kinh doanh nông sản, dẹp chợ tự phát. 
 
Doanh nghiệp cần dẫn dắt nông dân
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến khảo sát trang trại Nông Phát trồng dưa lưới (huyện Hóc Môn) và trang trại WinEco (huyện Củ Chi). Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét các doanh nghiệp đã có sự đầu tư bài bản để có nông sản an toàn, chất lượng cao.
"Doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt nông dân để cùng tham gia chuỗi giá trị. Doanh nghiệp cần vượt lên để xây dựng được hệ sinh thái với sự tham gia của nông dân vì đây cũng là một cách làm thương hiệu. Hợp tác tốt với nông dân cũng sẽ góp phần làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp" - Bộ trưởng nói.
 
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu