Thứ năm, 26/12/2019,08:08 (GMT+7)
Chăn nuôi gia cầm hướng đến xuất khẩu
Những năm qua, số đầu gia cầm trên cả nước tăng bình quân mỗi năm trên 6%. Sản lượng thịt hơi gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả/năm.
14-12-19_1
Bình Định đang sở hữu 3 giống gà được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật của Cty Minh Dư.
 
Để có được thành quả trên nhờ Việt Nam đang sở hữu bộ giống gia cầm rất phong phú, đa đạng, năng suất và chất lượng cao.
 
Đó là thông tin do TS Bùi Khắc Hùng, Cục Chăn nuôi cung cấp tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng xuất khẩu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định vừa tổ chức.
 
Theo TS Hùng, chăn nuôi gia cầm đã ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị vào SX; tạo những bước đột phá trong khoa học, công nghệ để cho ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường.
 
Đến nay, chăn nuôi gia cầm đã có nhiều bước tiến về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hợp lý, hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này rất bài bản, cho ra sản phẩm gia cầm có lợi thế tham gia xuất khẩu.
 
“Việt Nam đã cơ bản làm chủ được công nghệ SX con giống bố mẹ trong nước; đồng thời chọn lọc, tạo ra một số dòng có năng suất, chất lượng cao”, TS Hùng khẳng định,.
 
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong giai đoạn 2016 – 2018, tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm trên cả nước đạt 6,33%. Riêng đàn gà tăng 6,93%, trong đó gà thịt tăng 7,24%, gà đẻ tăng 5,88%; đàn thủy cầm tăng 4,38%, tăng cao nhất là đàn thủy cầm đẻ trứng với 10,85%.
 
Trong 3 năm (2016 – 2018), tổng sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,1 triệu tấn, trong đó thịt gà chiếm 840.000 tấn, chiếm 76,5%, thịt thủy cầm đạt gần 258.000 tấn, chiếm 23,5%. Tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm đến 19 – 20,5% so với tổng sản lượng các loại thịt.
 
“Công tác khuyến nông đã góp phần đáng vào việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ. Ngành khuyến nông đã chuyển giao các tiến bộ, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm thông qua các chương trình, dự án; đồng thời tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật được công nhận ở lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi; xử lý dịch bệnh, chuồng trại; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Từng bước hướng ngành chăn nuôi gia cầm đi theo hướng phát triển bền vững”, bà Hạnh cho hay.
 
Theo đánh giá của Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam hiện không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn có dư địa rất lớn để phát triển hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.
 
Dựa trên lợi thế so sánh về ưu thế SX, lợi thế về thương mại ngành thịt gia cầm, Việt Nam có thể xác định được các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Ả rập Xê út, Nam Phi, UAE. Trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD.
 
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ lâu tỉnh này đã đẩy mạnh xã hội hóa SX giống gia cầm, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các cơ sở SX giống gia cầm. Công tác chọn lọc, lai cải tiến giống gia cầm đã phát triển vượt bậc. Bình Định đã có hàng chục doanh nghiệp SX giống gia cầm, trong đó có 2 doanh nghiệp SX giống gia cầm lớn nhất nước là Cty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Cty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh.
 
Trang thiết bị ấp nở hiện đại của Cty Minh Dư.
 
Sản lượng gà giống cung ứng ra thị trường của 2 Cty nói trên mỗi năm đạt đến 70 triệu gà giống. Đặc biệt, Cty Minh Dư đang sử hữu 3 giống gà đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống gà tiến bộ kỹ thuật.
 
Ông Hổ cho biết thêm: Các doanh nghiệp nhập khẩu gà giống có những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Đầu tiên là giống phải được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Thứ đến là họ rất quan tâm đến chất lượng của gia cầm, ba là điều kiện an toàn dịch bệnh.
 
“Khi chúng tôi bàn thảo với Cty Sacso của Pháp về việc để đối tác nhập khẩu gà giống của Minh Dư, họ yêu cầu khoảng cách từ trại chăn nuôi đến khu vực tiếp cận gần nhất (trang trại chăn nuôi khác hoặc khu dân cư) phải là 1km theo quy chuẩn của châu Âu.
 
Trong khi đó, theo Luật Chăn nuôi của Việt Nam thì khoảng cách này chỉ là 400m, thế là không đạt yêu cầu. Họ đặc biệt quan tâm đến an toàn dịch bệnh. Họ hỏi cúm gia cầm ở Việt Nam đã được thanh toán chưa, nếu chưa thì ít nhất tại địa phương và vùng phụ cận cúm gia cầm phải đã được thanh toán thì sản phẩm mới xuất được sang thị trường châu Âu”, ông Hổ cho biết.
 
“Các cơ quan chuyên môn cần vào cuộc hướng dẫn các doanh nghiệp làm các thủ tục pháp lý để tiến tới xuất khẩu. Qua tìm hiểu một số nước trên thế giới, khi nhận thấy trên địa bàn có doanh nghiệp đủ tiềm năng xuất khẩu là các cơ quan chuyên môn tự tìm đến doanh nghiệp để hướng dẫn làm thủ tục. Doanh nghiệp chỉ lo sản xuất, còn các thủ tục về pháp lý thì đã có các cơ quan Nhà nước lo. Được như vậy thì các doanh nghiệp mới có điều kiện thông thoáng tham gia xuất khẩu”, ông Phan Trọng Hổ.
AN NHÂN - (nongnghiep.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu