Xét tuyển riêng… lên ngôi
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết về cơ bản, ĐH Quốc gia TPHCM giữ ổn định 5 phương thức xét tuyển, gồm: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy chế của ĐH Quốc gia TPHCM; xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2020; xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; xét tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ quốc tế.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, trong tuyển sinh năm 2020, ĐH Quốc gia TPHCM có 3 điểm mới đáng chú ý: (1) Hội đồng tuyển sinh đề nghị các trường, khoa thành viên dùng 50% (năm 2019 tối đa là 40%) chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; (2) đối với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến, xét tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ quốc tế; (3) đối với thành viên mới (Trường ĐH An Giang), hệ CĐ sư phạm vẫn duy trì, áp dụng xét tuyển bằng học bạ THPT nhưng phải xem xét kỹ, đảm bảo đầu vào tốt hơn.
Từ nay đến 31-12-2019, các trường phải hoàn thành phương án tuyển sinh năm 2020; có xác định chỉ tiêu theo tổ hợp xét tuyển, phương thức xét tuyển. Song song đó, các trường phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên), tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, kết quả tuyển sinh các năm liền kề.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra với quy mô lớn về thực hiện công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.
|
Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức năm 2020 hiện có khoảng 30 đơn vị đăng ký sử dụng - tăng nhiều so với năm 2019. Riêng các đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, tổng cộng có 10 đơn vị sử dụng.
Ngoài ĐH Quốc gia TPHCM, trong năm 2020, một số trường ĐH sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển thí sinh. Ngoài 5 phương thức tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự thực hiện.
Trường ĐH Việt Đức dự kiến sẽ có 2 hình thức tuyển sinh gồm: xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 5. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 5 phương thức xét tuyển, trong đó dành 15% tổng chỉ tiêu do trường xét tuyển riêng và 15% tổng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Một số trường khác như Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH FPT cũng dự kiến tổ chức một kỳ thi kiểm tra năng lực để tuyển sinh.
Dừng tuyển hệ CĐ
Từ ngày 1-7-2019, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (gọi tắt Luật số 34) có hiệu lực thi hành. Tại khoản 2, khoản 3 Điều 1 Luật số 34 quy định, các cơ sở giáo dục ĐH (gồm ĐH, trường ĐH, học viện) thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH: trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Trước đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB-XH) đã có công văn gửi 45 cơ sở giáo dục ĐH đề nghị dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo trình độ CĐ (trừ CĐ sư phạm), trình độ trung cấp (trừ trung cấp sư phạm) từ ngày 1-7-2019. Tuy nhiên, do các trường kiến nghị là hoàn toàn bị động nên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã điều chỉnh thời hạn sang năm 2020.
Thông tin từ Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, năm 2020, trường này tuyển sinh ĐH với tổng chỉ tiêu khoảng 8.000 sinh viên; kế hoạch tuyển sinh có điểm mới là dừng tuyển sinh hệ CĐ theo đúng quy định của Luật số 34, để tập trung nguồn lực cho đào tạo ĐH, sau ĐH (năm 2019, trường tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu hệ CĐ).
Tương tự, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết, do Trường ĐH An Giang vừa sáp nhập và trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM nên hội đồng tuyển sinh cũng khuyến nghị trường này xem xét dừng tuyển sinh hệ CĐ (trừ CĐ sư phạm), để tập trung cho tuyển sinh, đào tạo ĐH, sau ĐH. Việc dừng tuyển sinh hệ CĐ là phù hợp với Luật số 34 đã quy định.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)