Thứ bảy, 08/05/2021,16:36 (GMT+7)
Chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản Việt
Nâng tỉ trọng nông sản qua chế biến để xuất khẩu một mặt tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, mặt khác giải quyết được tình trạng được mùa mất giá
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thời gian qua, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
 
"Nút thắt" công nghệ
Cụ thể, quá trình phát triển có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.
 
Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn (Viện Cơ Điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối hệ thống chuỗi logistics. Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản gia tăng nhưng phần lớn tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến.
 
Trong khi đó, nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu phụ thuộc phương thức liên kết với người sản xuất hoặc các đầu mối đại lý nên tính ổn định không cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt khác, các DN thiếu đầu tư mạng lưới vệ tinh để sơ chế, phân loại, tồn trữ nguyên liệu cho mục đích chế biến hoặc bao gói phục vụ nội tiêu và xuất khẩu - khâu quan trọng có tính quyết định đến sự ổn định đầu ra và nâng cao giá trị gia tăng cho tất cả các nhà từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
 
Chế biến sâu để tăng giá trị cho nông sản Việt - Ảnh 1.
Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Hậu Giang) đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất nước ép trái cây xuất khẩu
 
Theo thống kê, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có trên 10.000 và phần lớn là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Qua khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, hầu hết công nghệ của các DN chuyên chế biến nông - lâm - thủy sản đã qua 3 - 4 thế hệ, 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá, chỉ 1%-5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế, 8%-15% số DN đăng ký chất lượng sản phẩm, 40% DN không có trình độ chuyên môn, tay nghề...
 
Vai trò đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản không thể thiếu yếu tố DN. Tuy vậy, số liệu thống kê trên cho thấy tỉ lệ DN đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn rất thấp và trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực chuyên môn thấp. Đây thực sự là nút thắt đối với ngành nông nghiệp.
 
Cần tận dụng phụ phẩm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: "Việt Nam chỉ có khoảng 20%-30% nông sản thông qua chế biến để xuất khẩu, còn ở Đài Loan (Trung Quốc) con số này là 80%. So sánh để thấy chúng ta cần đẩy mạnh khâu chế biến, đây là khâu đặt ra giá trị gia tăng rất cao, tạo ra giá trị vượt bậc và chia lợi ích lại cho người sản xuất".
 
Theo ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food, nhiều quốc gia phát triển đã sớm nhận ra tiềm năng ngành phụ phẩm thủy sản và xây dựng thành công các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với nhiều ứng dụng khác nhau. Ông Lộc phân tích: "Nước ta định hướng xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 10 tỉ USD vào năm 2025, ước sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Hiện nay, chỉ mới 55%-65% của con tôm được sử dụng, 35%-45% còn lại thường bị bỏ đi, chỉ có một phần nhỏ được xử lý bằng phương pháp truyền thống giá trị thấp, ô nhiễm môi trường. Nếu 400.000-500.000 tấn phụ phẩm tôm được chế biến sâu thì giá trị không thua sản phẩm chính".
 
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu nông - lâm - thủy sản rất lớn nhưng chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Cụ thể, nếu 1 kg khoai lang bán ăn tươi chỉ trên dưới 20.000 đồng nhưng nếu qua chế biến thì giá trị có thể tăng lên hàng chục lần. Ông Viên cho rằng có 4 cách để làm tăng giá trị nông sản, đó là: hướng chế biến cho ra thực phẩm thay đổi sự sống (ăn để phòng và trị bệnh), sản xuất nông nghiệp theo hướng "du lịch canh nông", sản xuất hữu cơ và đưa công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị.
 
Hỗ trợ HTX, DN vừa và nhỏ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng HTX, DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp chiếm số đông. Nếu nhà nước hỗ trợ "số đông" đó bằng nguồn vốn đầu tư, hạ tầng logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sẽ tạo ra sản phẩm như OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Và những sản phẩm do "số đông" đó làm ra được, các DN lớn tinh chế sâu hơn để xuất khẩu. Từ đó giải quyết được nguyên liệu vào mùa thu hoạch rộ cũng như việc làm cho khu vực nông thôn.
 
Bài và ảnh: CA LINH (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu