Thứ ba, 02/03/2021,07:11 (GMT+7)
“Chiến lược 2X” phát hiện sớm bệnh nhân lao tại cộng đồng
Để đạt được mục tiêu không còn bệnh lao vào năm 2030, năm nay tỉnh sẽ tăng cường “Chiến lược 2X” trong tầm soát bệnh chủ động và điều trị hiệu quả.
Bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh.
 
Phát hiện sớm người mắc lao
 
Theo ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, vài năm gần đây tình hình bệnh lao có xu hướng giảm. Tuy nhiên, giảm không nhiều, chỉ từ 1-2%. Bệnh lao vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng. Qua tầm soát bệnh lao tại cộng đồng đã phát hiện nhiều người mắc bệnh. “Cuối năm 2020, chúng tôi đã khám tầm soát khoảng 7.000 người, thì có trên 500 người mắc bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường hoạt động tầm soát sớm bệnh lao qua khám, phát hiện chủ động ở cộng đồng. Trong đó, sẽ thực hiện với phương châm “Chiến lược 2X” - là mỗi bệnh nhân sẽ được thực hiện chụp X-quang và xét nghiệm XPert để phát hiện sớm nếu có bệnh lao. Bên cạnh đó, sẽ chủ động tầm soát phát hiện người mắc lao tiềm ẩn để phát hiện sớm ngăn nguồn lây”, ông Vũ cho biết.
 
Hoạt động tầm soát lao ở cộng đồng được các địa phương cho là đem lại hiệu quả cao thời gian qua. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Những năm qua, hoạt động tầm soát bệnh lao tại cộng đồng đã đem lại hiệu quả tích cực. Bệnh nhân lao được phát hiện sớm, giảm nguồn lây bệnh và từng bước đẩy lùi căn bệnh này. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả tốt nhất, giảm lây nhiễm, giảm di chứng”.
 
Nếu như trong những năm trước, thực hiện tầm soát bệnh lao ở cộng đồng chỉ làm Xpert đối với 10% các trường hợp chụp phim X-quang có tổn thương thì năm nay dự kiến sẽ thực hiện 100% để nhằm phát hiện sớm bệnh lao. Việc tầm soát sớm bệnh lao sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng, từng bước giảm số người mắc lao ở cộng đồng, tiến tới không còn bệnh lao vào năm 2030.
 
Duy trì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh trên 93%
 
Hiện tại, bệnh nhân lao khi phát hiện bệnh, tất cả đều được tư vấn và hỗ trợ điều trị. Việc điều trị bệnh lao được thực hiện tại cộng đồng qua mạng lưới phòng, chống lao ở các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn. Nhiều bệnh nhân lao đã được điều trị đem lại hiệu quả tích cực. Bà L.B.S., ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi phát hiện mình mắc bệnh lao hơn 2 tháng và đã qua thời gian điều trị tấn công, bệnh tình đã giảm rất nhiều, sức khỏe bình thường trở lại. Bác sĩ nói xét nghiệm vi trùng lao đã âm tính. Tuy nhiên, tôi được tư vấn điều trị bệnh đủ 6 tháng theo phác đồ. Các bác sĩ hỗ trợ, tư vấn điều trị và thăm nom thường xuyên. Nhờ vậy, tôi an tâm duy trì thực hiện điều trị tốt”.
 
Công tác quản lý điều trị lao tại cộng đồng được thực hiện tốt hiện nay đã đem lại hiệu quả cao trong công tác điều trị lao. Theo ông Trần Vũ Thành, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, Trạm Y tế xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp: “Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, vãng gia tại gia đình bệnh nhân. Theo dõi bệnh nhân có uống thuốc đều đặn hay không và hỏi thăm tình hình sức khỏe, có tác dụng phụ gì hay không để kịp thời hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc sức khỏe tốt”. Tại xã Phương Bình có hơn 10 người đang điều trị bệnh lao đều tiến triển tốt.
 
Tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, công tác quản lý điều trị đối với bệnh nhân lao cũng được thực hiện chặt chẽ. Ông Huỳnh Quang Thái, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, Phòng khám Đa khoa khu vực Mái Dầm, huyện Châu Thành, khẳng định: “Chúng tôi hàng tuần phát thuốc cho bệnh nhân lao. Để điều trị bệnh lao đạt hiệu quả cao yêu cầu bệnh nhân phải phối hợp điều trị tốt, tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng. Thời gian qua hầu hết bệnh nhân lao ở địa phương đều được chữa khỏi sau phác đồ điều trị 6 tháng”.
 
Năm 2021, thực hiện chương trình phòng, chống lao của tỉnh đề ra mục tiêu về tỷ lệ điều trị bệnh lao khỏi trên 93%, điều trị bệnh lao kháng thuốc tỷ lệ khỏi đạt trên 73%. Riêng kết quả điều trị khỏi bệnh lao năm 2020 đạt tỷ lệ trên 98%. Với tỷ lệ này thì hầu hết bệnh nhân mắc bệnh lao điều trị khỏi, chỉ trừ những trường hợp người có bệnh nền nhiều, sức khỏe yếu hiệu quả điều trị chưa đạt tốt.
 
Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, chia sẻ thêm: Cán bộ trong mạng lưới phòng chống lao sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ, tư vấn điều trị cho bệnh nhân lao để đạt hiệu quả điều trị với tỷ lệ cao nhất. Điều quan trọng là bệnh nhân lao cần được tầm soát phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn, giảm được di chứng để lại về sau cho sức khỏe bệnh nhân.
 
“Chiến lược 2X” là gì ?
 
Vài năm gần đây tình hình bệnh lao có xu thế giảm. Tuy nhiên, giảm không nhiều, chỉ từ 1-2%, bệnh lao vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng. Cuối năm 2020, qua khám tầm soát khoảng 7.000 người, thì có trên 500 người mắc bệnh. Vì vậy “Chiến lược 2X” được thực hiện là cách phát hiện bệnh chủ động để điều trị kịp thời. Chiến lược này có nghĩa là mỗi bệnh nhân đều được thực hiện chụp X-quang và xét nghiệm XPert để phát hiện sớm nếu có bệnh lao, bên cạnh đó Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cũng sẽ chủ động tầm soát phát hiện người mắc lao tiềm ẩn.
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu