Thứ bảy, 19/09/2020,13:12 (GMT+7)
Chính quyền Tổng thống Trump mạnh tay với TikTok, WeChat
Bộ Thương mại Mỹ hôm 18-9 ra lệnh cấm bất kỳ giao dịch nào diễn ra trên 2 ứng dụng TikTok và WeChat tại nước này.
Lý do được đưa ra là 2 ứng dụng thuộc sở hữu của doanh nghiệp Trung Quốc này gây ra "những rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ".
Kể từ ngày 20-9, các cửa hàng ứng dụng như của Apple, Google... bị cấm cung cấp ứng dụng trên bất kỳ nền tảng nào có thể được tiếp cận bên trong nước Mỹ.
 
Điều này đồng nghĩa người Mỹ sẽ không được tải 2 ứng dụng này nữa. Dù vậy, lệnh cấm không tác động nhiều đến những người đang sử dụng ứng dụng này tại Mỹ. Nói cách khác, Bộ Thương mại Mỹ không tìm cách ép người Mỹ gỡ bỏ ứng dụng hoặc ngưng sử dụng chúng mà chỉ cấm các bản cập nhật và việc tải mới.
Chính quyền Tổng thống Trump mạnh tay với TikTok, WeChat - Ảnh 1.
Văn phòng của Công ty ByteDance ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, lệnh cấm áp dụng với hoạt động gửi tiền hoặc xử lý thanh toán thông qua WeChat. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh lệnh cấm chỉ được áp dụng tại Mỹ.
Vì vậy, các công ty Mỹ không bị cấm làm ăn trên WeChat bên ngoài Mỹ. Đây sẽ là thông tin tốt đối với những công ty Mỹ như Walmart và Starbucks. Các công ty này sử dụng WeChat để hỗ trợ xử lý giao dịch và tiếp cận người tiêu dùng ở Trung Quốc.
 
Tương tự, lệnh cấm trên không nhằm vào những giao dịch với những hoạt động kinh doanh khác của công ty Tencent Holdings, chủ sở hữu WeChat. Ngoài ra, Apple và Google (công ty con của hãng Alphabet) sẽ không bị cấm cung cấp các ứng dụng TikTok, WeChat bên ngoài nước Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump mạnh tay với TikTok, WeChat - Ảnh 2.
Ứng dụng WeChat được sử dụng để thanh toán ở Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo Bộ trưởng Ross, lệnh cấm trên nhằm chống lại hành vi "ác ý" của Trung Quốc trong việc "thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ". Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Động thái trên diễn ra giữa lúc công ty ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đang tìm cách thương thảo với hãng công nghệ Mỹ Oracle về một thỏa thuận hợp tác.
 
Bước đi này được kỳ vọng giúp ByteDance tuân thủ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó công ty này phải bán tài sản của mình ở Mỹ. Mục tiêu của ByteDance là lập ra một công ty mới, gọi là TikTok Global, nhằm giải tỏa những nỗi lo của Mỹ về vấn đề bảo mật dữ liệu người sử dụng.
 
Chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường nỗ lực loại những ứng dụng Trung Quốc "không đáng tin cậy" ra khỏi các mạng số của Mỹ, đồng thời gọi TikTok và WeChat là "những mối đe dọa nghiêm trọng".
Ứng dụng chia sẻ video TikTok hiện có 100 triệu người sử dụng ở Mỹ, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Trong khi đó, WeChat có bình quân 19 triệu người sử dụng thường xuyên hàng ngày ở Mỹ, theo Công ty phân tích Apptopia hồi đầu tháng 8.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu