Thứ hai, 25/05/2020,08:27 (GMT+7)
Chợ Mới xử lý nghiêm nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch
Qua rà soát, thống kê, toàn huyện Chợ Mới (An Giang) có 2.106 nhà ở ven sông, kênh, rạch, trong đó 490 căn nhà thuộc khu vực sạt lở. Tình trạng xây dựng không phép hoặc sai phép vẫn còn xảy ra; huyện, xã đã vận động, yêu cầu 10 hộ dân tự tháo dỡ nhà ở ven sông, kênh, rạch vi phạm, nhưng chưa có trường hợp nào phải xử lý, lập biên bản hay xử phạt, buộc tháo dỡ.
 
Nguy cơ sạt lở thiệt hại tài sản, tính mạng khi cất nhà ven sông, kênh, rạch 
 
Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép; hướng dẫn các xã, thị trấn cách thức và giải pháp thực hiện công tác quản lý, xử lý nhà ở trên sông, kênh, rạch. Năm 2019, triển khai Quyết định số 750/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh đến UBND các xã, thị trấn áp dụng thực hiện.
 
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới, tính đến ngày 13-5-2020, phòng đã tham mưu UBND huyện cấp 82 giấy phép xây dựng, trong đó có 73 hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới, 7 hồ sơ xin cấp phép điều chỉnh và 2 hồ sơ xin cấp phép sửa chữa, cải tạo; chưa phát hiện trường hợp sai phép phải xử lý.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu, thời gian qua, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trật tự xây dựng từng bước đi vào nền nếp, góp phần tạo kiến trúc, cảnh quan cho khu vực đô thị và nông thôn, diện mạo của các địa phương ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: nhiều công trình xây dựng không phép hoặc sai phép, không tuân thủ các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc theo giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp, như: tăng số tầng, vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, vi phạm hành lang sông, kênh, rạch, đất công.
 
Một số địa phương còn để tình trạng xây dựng vi phạm xong mới đề nghị huyện xử lý, nên việc thực hiện tháo dỡ gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước có một số chính sách hỗ trợ, di dời nhà ở trên sông, kênh, rạch như: chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và từ các nguồn vận động, tạo điều kiện cho địa phương trong chính sách chăm lo nhà ở cho nhân dân.
 
Thực tế, việc di dời nhà ở trên sông, kênh, rạch phần lớn là do hộ dân tự di dời khi nhà ở xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hoặc không có nguồn vốn để đầu tư các dự án này. Việc phát sinh chủ yếu là nhà tạm bợ hay tái cất lại nhà kiên cố và bán kiên cố. Đối với những trường hợp này một số địa phương thực hiện chưa kiên quyết ngay từ lúc phát sinh ở giai đoạn xây dựng.
 
Có thể thấy, Chợ Mới là huyện cù lao, đa số người dân sống dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch và việc xây dựng nhà ở trên sông, kênh, rạch và sinh sống ổn định từ trước. Đa số các căn nhà tạm và lều xây cất vi phạm hành lang, sông, kênh, rạch là các hộ dân nghèo, làm thuê, mua bán nhỏ lẻ, bán hàng rong... Các hộ này thường không có đất và không có khả năng thực hiện di dời nên công tác vận động di dời gặp nhiều khó khăn.
 
Trong khi đó, công tác đầu tư các cụm, tuyến dân cư, tái định cư chưa đáp ứng nhu cầu bố trí các hộ dân đang sinh sống và có nhà ở trên sông, kênh, rạch. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận một phần do các địa phương còn ngại va chạm, thiếu kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi xây dựng vi phạm quy hoạch, hành lang lộ giới, hành lang sông, kênh, rạch; công tác tuyên truyền pháp luật liên quan chưa thường xuyên, liên tục.
 
Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Mới cho biết, tới đây sẽ phối hợp UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, hành lang sông, kênh, rạch... và các văn bản về cấp giấy phép xây dựng; vận động người dân không xây dựng mới, tái cất nhà ở trên hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, hành lang sông, kênh, rạch. Rà soát, cắm mốc lộ giới và biển hành lang lộ giới, quản lý sử dụng đất trong và ngoài hành lang lộ giới.
 
Kiến nghị UBND huyện xử lý nghiêm trách nhiệm đối với UBND các xã, thị trấn trong trường hợp buông lỏng quản lý để phát sinh nhà ở, công trình vi phạm quy hoạch, hành lang an toàn đường bộ, tái cất và cất mới nhà ở trên sông, kênh, rạch...
 
Để chấm dứt tình trạng xây dựng công trình vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép, không phép vi phạm hành lang sông, kênh, rạch, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu đề nghị, khẩn trương thành lập Đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra, quản lý, xử lý các nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch ra quân lập lại trật tự đô thị, vỉa hè, lòng lề đường, phát quang bụi rậm trên các tuyến đường.
 
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, hành lang sông, kênh, rạch... Quan trọng hơn cả là cần nâng cao ý thức, vận động người dân không xây dựng mới, tái cất nhà ở trên hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, hành lang sông, kênh, rạch và kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.
 
HẠNH CHÂU - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu