Thứ ba, 23/06/2020,07:23 (GMT+7)
Chọn trường, chọn ngành phù hợp
Học sinh các khối lớp 12 đã bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây là thời điểm quan trọng xác định ngành nghề tương lai. Vậy các em cần lưu ý gì trước khi đặt bút chọn trường, chọn ngành nghề ?
Học sinh phải căn nhắc kỹ trước khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học cao đẳng.
 
Áp lực, phân vân chọn ngành, nghề
 
Chỉ mới xác định được mình sẽ chọn thi tổ hợp bài thi tự chọn là khoa học xã hội, em Lin Chin Sheng, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Em cảm thấy khá lo khi kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra mà em vẫn chưa quyết định được ngành đăng ký xét tuyển đại học. Em mới chọn được bài thi tổ hợp để đăng ký thi tốt nghiệp, còn ngành để xét tuyển đại học mới dự kiến ngành ngôn ngữ Anh, nhưng lo không biết ra trường có việc làm không. Vì thế, em chưa vội nộp giấy đăng ký dự thi”.
 
Phân vân chưa biết quyết định chọn ngành nào để theo học, em Lê Minh Anh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Em thì thích ngành du lịch. Học ngành này em sẽ được đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người. Em mê ngành này từ nhỏ nhưng còn ba mẹ em thì khuyên em đi học kế toán, học xong ra trường về có thể tiếp gia đình hoặc làm tư nhân. Hiện tại, em cũng chưa thể đưa ra quyết định”.
 
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa An, cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có rất nhiều thông tin thay đổi, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh. Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên đã hết mình để hỗ trợ các em, tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, cử giáo viên chủ nhiệm quan tâm hỗ trợ, kịp thời giải đáp các thắc mắc để học sinh ổn định tâm lý, yên tâm ôn tập thật chất lượng. Điểm phân vân của học sinh là các em phải cập nhật các thông tin về các trường đại học, cao đẳng muốn đăng ký xét tuyển, để xem trường đó áp dụng theo hình thức nào để đăng ký xét tuyển phù hợp: xét tuyển học bạ, điểm thi THPT hay tổ chức thi riêng… ngoài ra, áp lực chọn ngành nghề từ gia đình, từ số đông các bạn học cũng rất lớn”.
 
Học sinh cần được định hướng rõ ràng
 
Chuyên gia Tư vấn nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mình mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: theo năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Nếu có đủ năng lực đáp ứng và có sự say mê theo đuổi ngành học, nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các em sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi”.
 
Ông Tuấn cũng đã chia sẻ với các em học sinh Hậu Giang một số ngành học chủ lực đáp ứng nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long như ngành công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí nông nghiệp, dệt may, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, môi trường, dịch vụ vận tải hàng hóa, lĩnh vực truyền thông đa phương tiện…
 
Hiện nay, ngành nghề để cho các em học sinh chọn rất đa dạng. Ngày xưa, chỉ có một số ngành như y, bác sĩ hay giáo viên… thì nay rất nhiều ngành học mới được mở ra theo nhu cầu xã hội. Đa phần các em học sinh rất quan tâm đến các ngành mới, ngành “hot”, ngành dễ tìm việc làm. Em Trần Hoàng Luân, học sinh lớp 12T2, Trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thổ lộ: “Năng lực học tập của em thuộc loại khá, sở trường của em là các môn xã hội. Em đang chọn đăng ký xét tuyển đại học ngành quan hệ công chúng của Trường Đại học Nam Cần Thơ. Theo em tìm hiểu, ngành này xã hội đang rất cần, nếu chọn học thì cơ hội việc làm của em sẽ nhiều hơn”.
 
Lựa chọn, ngành nghề, trường nào cho đúng với sở thích, năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình đang là những trăn trở mà các em học sinh lớp 12 đang gặp phải. Ông Nguyễn Thanh Thiên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Cơ sở vật chất, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Học sinh không nên chạy theo ngành “hot”, đăng ký ngành học theo tâm lý số đông. Tuy còn nhiều điều phải lo nhưng tôi nghĩ học sinh lúc này mình cần phải bình tĩnh, dồn hết sức vào việc hoàn thành chương trình học và tập trung ôn tập. Ôn tập tốt, làm bài đạt điểm số cao thì có chọn vào ngành nào cũng không làm khó các em. Vừa ôn tập, học sinh sẽ vừa suy nghĩ thêm ngành mình yêu thích và năng lực bản thân. Như vậy, trước ngày 30-6 các em sẽ chốt được đáp án ngành nghề cho mình một cách chính xác hơn”.
 
Tiêu chí “cứng” nào trong chọn nghề tương lai ?
 
Theo chia sẻ của các chuyên gia, giáo viên, việc chọn ngành nghề đúng phụ thuộc vào nhiều điều, trong đó có những tiêu chí “cứng” cần được chú trọng. Chuyên gia Tư vấn nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mình mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: theo năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình”…
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu