Thứ hai, 14/10/2019,07:41 (GMT+7)
Chống bạo hành học sinh: Căn cơ từ đạo đức, chuẩn mực nhà giáo
Sau khi đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên có hành vi bạo hành học sinh diễn ra tại một trường tiểu học ở quận Tân Phú, TPHCM lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, dư luận đã nổ ra cuộc tranh luận nên hay không nên lắp đặt camera trong trường học.

Liệu rằng đây có phải biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bạo lực học đường? Hay cần nâng cao hơn nữa đạo đức, trách nhiệm của chính đội ngũ giáo viên, trách nhiệm của cơ quan quản lý?

Đa phần giáo viên “ngại” bị theo dõi

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 8-10, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết, bắt đầu từ năm học 2017-2018, quận đã có chủ trương lắp đặt camera tại 100% các trường mầm non, cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn quận. Tuy nhiên, với 2 khối tiểu học và THCS, thiết bị này mới được gắn ở một số khu vực như hành lang, cổng trường để đảm bảo an ninh, trật tự… 

Tương tự, tại quận Bình Tân, theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, hiện 100% trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn đã gắn camera trong lớp học. Tuy nhiên, với các trường mầm non khối công lập, trường tiểu học và THCS, chủ trương chỉ dừng ở việc động viên, khuyến khích các đơn vị. Cụ thể, toàn quận mới có một trường mầm non công lập và một trường tiểu học gắn camera trong lớp học, các đơn vị còn lại camera chủ yếu được gắn ở một số khu vực tập trung đông học sinh như phía trong và ngoài cổng trường, sân trường, hành lang các lớp học…

Chống bạo hành học sinh: Căn cơ từ đạo đức, chuẩn mực nhà giáo ảnh 1

Trường học cần kết hợp nhiều biện pháp quản lý để tạo môi trường làm việc an toàn, 
lành mạnh cho giáo viên

Lý giải thực tế này, đại diện Phòng GD-ĐT quận Bình Tân bày tỏ, hiện nay trong tất cả văn bản pháp luật, chưa có điều luật nào quy định trường học phải lắp camera trong lớp học. Do đó, chủ trương dù cần thiết nhưng không thể bắt buộc tất cả các trường cùng thực hiện.  

Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TP nêu thực tế, kinh phí để trang bị camera “phủ kín” trường học lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể phần khấu hao, bảo trì. Nếu chỉ dùng tiền từ ngân sách nhà nước thì đơn vị không còn kinh phí để tổ chức các hoạt động khác.

Mặt khác, theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (ban hành ngày 3-8-2018) của Bộ GD-ĐT quy định doanh nghiệp, cá nhân muốn tài trợ cho các cơ sở giáo dục, phải hoàn tất thủ tục cho - tặng khá rườm rà. Do đó, hầu hết các đơn vị hiện nay khi triển khai lắp đặt camera đều chọn hình thức vận động từ các nguồn xã hội hóa. 

Nâng cao chuẩn mực nhà giáo

Sau khi xảy ra sự việc cô giáo lớp 2 bạo hành học sinh, một phó hiệu trưởng của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú) cho biết, nhà trường sẽ tăng cường giáo dục học sinh các biện pháp tự bảo vệ thân thể và sức khỏe, cũng như kỹ năng dám mạnh dạn trao đổi, chia sẻ với thầy cô, người lớn những khó khăn, nguy cơ không an toàn đối với bản thân.

Bởi thực tế trên cả nước từng xảy ra nhiều trường hợp giáo viên bạo hành học sinh ngay cả trong phòng học có gắn camera, thậm chí có vụ việc học sinh bị kéo vào góc khuất của lớp học (camera không quét đến) và chịu những hành xử không đúng mực của giáo viên. 

Chia sẻ với chúng tôi, cô N.T.H, hiệu trưởng một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Gò Vấp nêu quan điểm, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh giáo viên dạy trong môi trường lớp học có gắn camera chịu nhiều áp lực hơn giáo viên ở những trường học không có gắn camera.

“Hơn ai hết, các em đều biết thiết bị này không phải công cụ giám sát duy nhất của ban giám hiệu mà còn nhiều hình thức kiểm tra chuyên môn khác như dự giờ, họp tổ chuyên môn…”, hiệu trưởng này cho biết. Do đó, camera chỉ nên xem là một trong những giải pháp tình thế khi ngành giáo dục chưa có chế tài và biện pháp căn cơ phòng, chống tình trạng bạo lực học đường. 

Để tránh tình trạng bạo hành học sinh, tùy thuộc vào tình hình thực tế tại đơn vị, nhà trường cần kết hợp thêm nhiều biện pháp tổ chức khác như tạo ra môi trường làm việc an toàn, cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên, thường xuyên tạo điều kiện cho các thầy, cô trau dồi đạo đức, nghiệp vụ sư phạm. 

Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hàng năm vào dịp hè, Sở GD-ĐT TP đều tổ chức các lớp bồi dưỡng dành cho đối tượng là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm nâng cao đạo đức, tác phong, chuẩn mực đối với đội ngũ nhà giáo. Từ những hạt nhân này, mỗi cán bộ quản lý có trách nhiệm về truyền đạt lại cho cán bộ, giáo viên ở đơn vị được phân công phụ trách thông qua các hoạt động sinh hoạt định kỳ trong hội đồng sư phạm.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên thủ trưởng các đơn vị trường học có trách nhiệm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị. Đây được xem là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc tăng cường và nâng cao đạo đức nhà giáo, góp phần thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động.

Theo một kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT TPHCM đối với 3 quận, huyện đầu tiên được chọn thí điểm gắn camera trong lớp học ở bậc mầm non (gồm quận 1, 12 và huyện Hóc Môn), có đến 52% giáo viên không đồng tình việc phụ huynh theo dõi camera vì lo ngại quyền riêng tư của học sinh và giáo viên.

Riêng với đề xuất gắn camera trong lớp học chỉ để ban giám hiệu nhà trường kiểm tra, giám sát hoạt động của cô và trẻ, cũng có tới 72,2% giáo viên không đồng ý vì cho rằng làm như vậy sẽ khiến giáo viên mất tự nhiên, cảm thấy cấp trên thiếu tin tưởng và luôn lo sợ sẽ mắc lỗi.

 
THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu