Thứ ba, 15/03/2022,00:09 (GMT+7)
Chống mê tín dị đoan để xây dựng đời sống văn hóa
Xưa nay, với người Việt Nam chúng ta, việc thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất là biểu lộ sự tri ân, thể hiện nghĩa cử "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây". Những việc này là một dạng sinh hoạt có tác dụng giáo dục.
 
Thế nhưng, trong thực tế đời sống những năm gần đây, nhiều người, nhiều gia đình đã làm cho việc thờ cúng biến tướng thành một dạng mê tín dị đoan. Tình trạng đốt vàng mã có xu hướng ngày càng lạm dụng, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Chuyện cúng bái còn lan vào một số cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang.
 
Những hoạt động mê tín dị đoan ngày nay không còn là điều xa lạ đối với một số cán bộ, đảng viên. Có người lúc sống không theo tôn giáo nào nhưng khi chết thì con cháu dựng bàn thờ theo nghi lễ tôn giáo rồi rước thầy về làm lễ có khi kéo dài 5-7 ngày. Dịp Tết cổ truyền, không ít thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo địa phương tổ chức đoàn đi lễ chùa cầu may, thậm chí tổ chức cúng bái linh đình ngay trong cơ quan, đơn vị...
 
Thiết nghĩ, ở địa phương hoặc cơ quan, đơn vị mà có cán bộ, đảng viên làm những việc phản văn hóa, vi phạm những điều mà Đảng đã cấm cán bộ, đảng viên không được làm, thì việc xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" sẽ rất khó khăn.
Do vậy, các cơ sở Đảng cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên tiên phong trong việc chống mê tín dị đoan ở nơi làm việc và cả nơi cư trú, để làm đòn bẩy cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư sớm thành công.
 
Mặc Sanh (cựu chiến binh TP Đà Nẵng) (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu