Thứ ba, 31/10/2023,13:05 (GMT+7)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói gì về tình trạng bạo lực học đường?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã có những chia sẻ về vấn nạn bạo lực học đường
 
Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đây không phải vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã có những chia sẻ bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nói gì về tình trạng bạo lực học đường? - Ảnh 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Văn Duẩn
 
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, bạo lực học đường xưa nay vẫn có nhưng gần đây mức độ và tính chất đáng lo ngại.
 
Bạo lực học đường hiện nay không chỉ là vấn đề "động chân, động tay" mà còn bạo lực cả về tinh thần, tức là xúc phạm nhân phẩm nhau.
 
Đáng lo ngại là học sinh, bè bạn chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực. "Đây là vấn đề rất đáng báo động mà chúng tôi từng lên tiếng từ lâu" - ông Vinh nói.
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, chúng ta cần có thái độ cương quyết loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường, bởi chúng ta đang xây dựng xã hội hạnh phúc, xây dựng con người biết yêu thương lẫn nhau, mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người.
 
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng căn cơ và lâu dài là xây dựng văn hóa học đường cho học sinh. Trong xã hội hiện đại, ngoài lúc ở nhà nhận giáo dục của ông bà, bố mẹ thì phần lớn thời gian trẻ ở trường, nhận sự giáo dục của thầy cô. Vì vậy, việc này cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể nhìn thấy kết quả ngay. Từ chủ trương thành hành động, thay đổi nhận thức và hành vi của con người đòi hỏi sự kiên trì.
 
Còn trong trường, giáo viên cần thật sự gương mẫu, xây dựng mối quan hệ thầy trò thực sự yêu thương, quan tâm nhau. Nêu ví dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng có những việc rất nhỏ như làm sao để học sinh khi gặp bác bảo vệ cũng lễ phép chào hỏi, những việc nhỏ ấy được chú ý thì mọi việc sẽ dần tốt hơn. Nếu không dạy các em từ vấn đề nhỏ nhặt như vậy, sẽ sinh ra nhiều mâu thuẫn.
 
"Nhà trường, gia đình ngoài định hướng các em tiếp cận thông tin lành mạnh nhiều hơn, hạn chế thông tin tiêu cực, cũng cần xây dựng sức đề kháng cho các em để tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu" - ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các em cũng cần được học cách bày tỏ thái độ không đồng tình khi chứng kiến cảnh bạo lực. Việt Nam đang xây dựng xã hội hạnh phúc, con người biết yêu thương lẫn nhau, mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người. Tinh thần này cần được thầy cô, phụ huynh giáo dục các em khéo léo, tinh tế qua từng tiết học, môn học hay sinh hoạt hàng ngày trong gia đình.
 
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để mọi người đều có ý thức tuân thủ.
 
Về chương trình giáo dục trong nhà trường, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học, từ tiếng Việt, tiếng Anh, Giáo dục công dân... đến nhiều môn khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục văn hóa cao sẽ truyền cách sống văn minh cho các em ngay từ nhỏ.
 
"Tôi vẫn nhớ trước đây được học bài "Hai con dê qua cầu", để nhắc nhở về tính nhường nhịn. Bây giờ ra đường, nếu mỗi người nhường nhau một chút khi tắc đường thì các em sẽ học được điều đó, hình thành cách ứng xử văn minh như vậy. Nội dung mỗi bài học ngoài truyền dạy kiến thức, cần thiết kế tốt để học sinh tự cảm nhận và dần hình thành nhân cách" - ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng chia sẻ việc cả bố mẹ và thầy cô đều bận rộn, chịu nhiều áp lực. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, việc nêu gương cho các em phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ trong giờ học.
 
"Mọi người đều mong xã hội tốt hơn, nhưng khó ai tránh khỏi những lúc sai lầm. Trẻ cũng vậy. Khi các em mắc lỗi thì thầy cô, bố mẹ nên tạo điều kiện để các em có cơ hội sửa chữa tốt hơn. Đừng vì một câu chuyện cụ thể mà tạo áp lực cho các em dẫn đến suy nghĩ tiêu cực" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ.
 
B.H.Thanh - Văn Duẩn.
Ảnh: Văn Duẩn (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu