Thứ tư, 25/05/2022,18:46 (GMT+7)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng đây chỉ là kết quả bước đầu, bởi doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn.
 
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 25-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn - Ảnh 1.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại thảo luận tổ - Ảnh: H. Phúc
 
Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo
Phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và cho rằng trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu. Chủ tịch nước đánh giá các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... Khẩu hiệu luôn được quán triệt là giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành. Chiến lược tiêm vắc-xin của Việt Nam thuộc nhóm đầu, thực hiện quyết liệt, được thế giới ghi nhận.
 
"Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hoá để lại ấn tượng trong lòng bạn bè" - Chủ tịch nước nói.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn. Chủ tịch nước cho rằng doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn, đây là điều không thể bàn cãi do tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
 
Chủ tịch nước đề nghị cần nhìn thực chất: Vì sao thu ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch? Đây là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của Covid-19.
 
Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế chúng ta. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.
 
Nói về tình hình thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng gần đây xuống rất nguy cơ, giảm giá trị 500-600 tỉ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỉ USD.
 
"Nói điều này để thấy rằng cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
 
Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp"- Chủ tịch nước nói.
Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo". Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
 
Tiền có không tiêu được thì vướng do đâu
Chia sẻ những vấn đề đại biểu Quốc hội lo lắng như giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân gói chính sách tài khoá, tiền tệ theo Nghị quyết 43 quá chậm… phát biểu thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn - Ảnh 2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ
 
“Chi ngân sách nói chung hiện nay đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Đầu tư công cũng rất thấp, cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân 32,85%. Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, hôm qua mới có danh mục gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới chỉ có tên danh mục chứ chưa phải là các dự án đã chuẩn bị đầu tư xong. Gói chính sách về y tế là chưa có danh mục đầu tư nào. Hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa giải ngân được"- Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu từ thực tiễn sâu sát với địa phương phân tích kỹ vấn đề này. 
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, tiền có nhưng không tiêu được. Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng xuất hiện trạng thái một số nơi không dám mua và một số nơi mua thì sai.
 
"Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế không vướng gì cả. Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt rồi, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa"- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
 
Nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu
Phân tích sâu về nhiều đợt lạm phát mà nước ta phải đối mặt, buộc phải "dùng thuốc liều cao" là thắt chặt chính sách tài khoá, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) lưu ý với dấu hiệu hiện nay như giá xăng dầu tăng liên tục thì Chính phủ, Quốc hội cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng xầu.
 
Theo đại biểu, chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng ta có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, rồi thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì "đánh" trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
 
"Việc này Quốc hội phải có ý kiến và kỳ họp này nếu được thì Quốc hội nên đưa vấn đề vào xem xét, có thể dành một buổi tối trong tuần để bàn. Không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ domino tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ và hiện người dân rất khó khăn"- ông Trần Hoàng Ngân nói.
 
Văn Duẩn - Thế Dũng (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu