Thứ ba, 15/01/2019,09:46 (GMT+7)
Chuẩn bị cho hàng ra chợ Tết
3 tháng qua, để chuẩn bị hàng bán Tết vào chợ đầu mối ở các thành phố lớn, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), người trực tiếp sản xuất và thương lái buôn bán ở một số tỉnh trong vùng ĐBSCL được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, chế biến. Từ đó hình thành các liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có thể truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm cá, mực, tôm khô… chế biến bán theo tập quán cũ, hàng rời, không đóng gói thường thấy ở các chợ ĐBSCL.

Khởi đầu từ thị trường nội địa có sức tiêu thụ lớn nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu chấn chỉnh, mạnh dạn “cắt bỏ” thói quen, cung cách mua bán cũ tồn tại lâu nay tại các chợ đầu mối lớn – nơi mỗi ngày tiếp nhận khối lượng lớn hàng nông, thủy sản tươi sống khoảng 5.000 tấn/ngày từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Vào đầu tháng 9-2018, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có Công văn số 6611/SCT-QLTM gởi đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố miền Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL về việc sơ chế đóng gói hàng hóa tại nguồn trước khi đưa về 3 chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, thông qua các thương nhân bán buôn và thương nhân bán lẻ hướng đến hình thành cung cách mua bán theo phương thức hiện đại kết hợp với phục vụ du lịch tăng thêm ngành dịch vụ tại chợ, mở ra thị trường khách hàng mới là khách du lịch và xuất khẩu. Mặt khác việc khuyến khích sơ chế hàng nông, thủy sản từ nguồn cung cấp tại các địa phương trước khi đưa vào thành phố có đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đồng thời góp phần làm giảm lượng rác thải tại TP Hồ Chí Minh.

Thời hạn đến ngày 31-12 vừa qua, các DN, HTX và thương nhân cung ứng hàng hóa rau, củ quả và nông, thủy sản tại các tỉnh, thành phố từ miền Đông và miền Tây phải thực hiện việc sơ chế và đóng gói hàng hóa tại trang trại, nông trại, cơ sở nuôi trồng trước khi đưa về các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh. Sản phẩm nông thủy sản có địa chỉ truy xuất nguồn gốc rõ ràng tên các đơn vị, cá nhân sản xuất.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, sức mua trên thị trường nội địa càng tăng cao. Dịp này, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng càng thừa cơ len lỏi đưa ra thị trường, nhất là bán về các chợ vùng nông thôn. Do đó, nhiệm vụ cơ quan chức năng chuyên ngành cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát kiểm tra; đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất nông hộ về quy định điều kiện sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, cách sơ chế bảo quản và đóng hàng theo từng lô và không vận chuyển hàng đổ sá hay hàng rời về TP Hồ Chí Minh như trước đây.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hậu Giang, cho hay: Sau khi tiếp nhận công văn từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức tập huấn được trên 40 cơ sở, nông hộ sản xuất. Đến nay tỉnh tổ chức hình thành trên 10 chuỗi sản xuất liên kết làm mô hình điểm để nhân rộng. Về phía các HTX, chủ cơ sở sản xuất nhận thức được việc sản xuất, sơ chế, đóng hàng theo quy định ghi rõ tên đơn vị, địa chỉ nơi sản xuất chính là sự cam kết sản phẩm nông, thủy sản đạt an toàn chất lượng để người tiêu dùng an tâm, tin dùng.

TP Cần Thơ trong năm 2018 tạo được chuyển biến mới trong công tác quản lý, nhất là việc tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra chấp hành qui định về an toàn thực phẩm (ATTP). Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Cần chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về các qui định của Nhà nước về ATTP cho các cơ sở sản xuất và cả người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm an toàn. Do đó năm 2018 thành phố liên tục mở các lớp tập huấn kiến thức ATTP cho hơn 2.780 chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất và các cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP tuyến quận, huyện. TP Cần Thơ hướng dẫn, khuyến khích các HTX, chủ cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt như VietGAP, HACCP trong sản xuất, chế biến. Qua đó hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đến cuối năm Cần Thơ đã xây dựng được 26 chuỗi, 87 sản phẩm sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cùng với 30 mô hình sản xuất, trong đó 3 mô hình áp dụng tiêu chuẩn HACCP trong chế biến, 1 mô hình chăn nuôi VietGAP, 2  mô hình trồng trọt VietGAP và 24 mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP.   

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để người tiêu dùng an tâm trong việc mua sắm, lựa chọn sản phẩm nhất là vào dịp cuối năm, chợ Tết sắp đến, TP Cần Thơ công bố kết quả kiểm tra xếp loại năm 2018 trong tất cả 638 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm thủy sản, trong đó có 101 cơ sở loại A, 455 cơ sở loại B, không có cơ sở loại C và đã tạm ngưng 57 cơ sở, 25 cơ sở ngừng hoạt động đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Tuy nhiên, nhìn lại công tác quảng bá triển khai xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các địa phương ở vùng ĐBSCL thực hiện chưa đồng đều giữa các tỉnh, thành. Mỗi năm hàng nông, thủy sản từ vùng ĐBSCL đưa về các khu đô thị, thành phố lớn trong cả nước với sản lượng rất lớn. Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần sớm triển khai thực hiện đồng loạt và hỗ trợ kinh phí cho các chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình sản phẩm đã xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: Hữu Đức - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu