Thứ bảy, 09/05/2020,22:49 (GMT+7)
Chuẩn bị Chương trình GDPT mới tại ĐBSCL: Linh động lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên
Thực hiện Chương trình GDPT mới, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đóng vai trò quan trọng.
 
Giáo viên tiếp cận bộ SGK mới tại buổi tập huấn ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: X. Uyên
Giáo viên tiếp cận bộ SGK mới tại buổi tập huấn ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: X. Uyên
 
Bằng nguồn lực và sự chủ động, đến nay các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành tập huấn, đào tạo giáo viên, sẵn sàng triển khai chương trình mới.
 
Chú trọng đào tạo
 
Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, tỉnh tổ chức tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên thực hiện Chương trình GDPT mới. Bám sát theo lộ trình triển khai thực hiện ở từng cấp học, cơ sở giáo dục phổ thông các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở kết quả rà soát xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ hiện có theo hướng hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện tuyển dụng, tinh giản biên chế đúng quy định, phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục ở từng địa phương trong tỉnh.
 
“Tỉnh Đồng Tháp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá nhà giáo, cán bộ quản lý theo quy định của Chuẩn nghề nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành, có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với người chưa đạt chuẩn phù hợp. Nhà giáo và cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện, chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT mới phải bảo đảm đủ tuổi để thực hiện hết một chu kỳ (dưới 55 tuổi đối với nam và dưới 50 tuổi đối với nữ tính từ năm 2020)”, ông Liêm cho biết.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, tập thể lãnh đạo, giáo viên các trường đã sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT mới. Công tác tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực… để triển khai chương trình mới được thực hiện trên tinh thần chủ động, sáng tạo.
 
Để chuẩn bị đội ngũ cho chương trình mới, Sở GD&ĐT Tiền Giang tổ chức nhiều đợt tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trường tiểu học. Tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo nắm chắc, hiểu rõ Chương trình GDPT mới cũng như mục tiêu, phương pháp, kế hoạch, nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên lớp 1 được tập huấn, tiếp cận việc tổ chức và thực hành hoạt động trải nghiệm theo mục tiêu chương trình, phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh theo khung năng lực… Tiếp cận một số chủ đề giáo dục buổi 2, sách giáo khoa (SGK) mới trong trường tiểu học (giáo dục STEM, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, giáo dục bảo vệ môi trường…).
 
Thầy Cao Long Hải - Hiệu trưởng Trường TH Phú An 1, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Nhà trường bảo đảm phòng học 2 buổi/ngày và các phòng chức năng. Thầy cô giáo đã sẵn sàng tâm thế thực hiện chương trình mới”.
 
Chuẩn bị tâm thế vững vàng
 
Tại tỉnh Tiền Giang, ngành Giáo dục chủ động bồi dưỡng giáo viên, triển khai hướng dẫn lựa chọn SGK. Theo ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Mầm non (Sở GD&ĐT Tiền Giang), công tác bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới được tập huấn khoa học. Có công cụ đánh giá nhận thức, kỹ năng của đối tượng bồi dưỡng trước và sau tập huấn.
 
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đồng Tháp, triển khai Chương trình GDPT mới, địa phương cơ bản đáp ứng đủ số lượng giáo viên phổ thông, chỉ thiếu một ít giáo viên dạy các môn chuyên biệt, sẽ tổ chức tuyển dụng trong thời gian tới để bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên trong tổng số biên chế được giao. Sở đã cử 716 giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán dự tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tổ chức tập huấn 2 đợt tại tỉnh với sự hướng dẫn của báo cáo viên từ Bộ GD&ĐT, có hơn 3.700 cán bộ quản lý, giáo viên tham dự…
 
Thầy Nguyễn Minh Nhựt - Hiệu trưởng Trường TH Phú Mỹ, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) thông tin: Nhà trường tập trung đầu tư cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 về năng lực, hiểu rõ chương trình tổng thể và sẵn sàng giảng dạy sách giáo khoa mới. Trường thường xuyên triển khai tập huấn giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tăng cường kỹ năng thực hành, tổ chức ngoại khóa… giúp thầy cô nắm được lý thuyết, sau đó ứng dụng vào thực tế. 
 
Quốc Ngữ - (giaoducthoidai.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu