Thứ ba, 07/01/2020,07:52 (GMT+7)
Chuỗi liên kết cá tra đổ vỡ: Đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ra sao?
An Giang là tỉnh tiên phong thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra từ rất sớm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Đây là hướng đi đúng, tuy nhiên khi chuỗi liên kết đang thực hiện giữa chừng thì chủ doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài, đẩy hàng loạt nông dân vào cảnh lâm nợ. Chuỗi liên kết đổ vỡ mấy năm nay nhưng chưa tìm được hướng giải quyết. 
 
Nợ chất chồng, nông dân không có tết!
 
Đã bước sang năm 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý cũng đến gần, thế nhưng nhiều nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra ở An Giang vẫn không biết cách nào xoay xở. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) chua chát: “Tết tới nơi mà trong nhà còn nợ các đại lý thức ăn hơn 2,7 tỷ đồng, không biết phải tính sao, trong khi vụ nuôi cá tra năm 2019 vừa rồi lại tiếp tục thua lỗ. Mọi việc đang rối bời như canh hẹ…”.
 
Ông Tấn kể, cách nay khoảng 6 năm, khi tỉnh An Giang và các ngành chức năng triển khai liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra theo chuỗi giá trị, ông là một trong hàng chục hộ tham gia đầu tiên. Ông Tấn quy hoạch lại 5 ao cá với 2,8ha mặt nước, đồng thời thế chấp tài sản hơn 2 tỷ đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang để nuôi cá tra mô hình chuỗi liên kết dọc (3 bên tham gia chuỗi liên kết gồm: nông dân (12 hộ), Agribank chi nhánh tỉnh An Giang và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An - gọi tắt Công ty Thuận An).
 
Chuỗi liên kết cá tra đổ vỡ: Đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ra sao? ảnh 1
Tỉnh An Giang khẳng định chuỗi liên kết cá tra là chủ trương đúng và hướng đi đúng,  cần giải quyết sớm vụ việc của Công ty Thuận An để tiếp tục phát triển chuỗi
 
Toàn bộ quy trình thực hiện chặt chẽ, trong đó nông dân nuôi cá không nhận tiền vay, mà chỉ khi nhận thức ăn thì ký nợ với ngân hàng theo sự đồng ý của Agribank An Giang và Công ty Thuận An. Cá tới kỳ thu hoạch thì nông dân phải bán cho Công ty Thuận An, sau đó được tất toán khoản vay mua thức ăn với ngân hàng, số tiền dư ra nông dân sẽ được nhận. 
 
Thời gian đầu thực hiện chuỗi rất tốt, bình quân nông dân thu lãi 1.500 - 3.000 đồng/kg so với nuôi bên ngoài. Mặt khác, tất cả dòng tiền trong chuỗi được chuyển khoản tại Agribank gồm thanh toán tiền mua thức ăn, tiền bán cá, thu tiền xuất khẩu của nước ngoài về… nên bảo đảm nguồn vốn đầu tư đúng mục đích. Sau 2 năm hiệu quả, thì khoảng tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An, đột ngột “biến mất”, ôm theo số tiền hơn 62,7 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi.
 
Ngoài ra, Công ty Thuận An còn nợ Agribank chi nhánh An Giang khoảng 495 tỷ đồng, trong đó dư nợ theo chuỗi hơn 115,9 tỷ đồng. “Khi đó, tôi còn dư nợ thức ăn với ngân hàng là 12,8 tỷ đồng, nhưng đã giao cá cho Công ty Thuận An 11,9 tỷ đồng; tính ra chỉ còn nợ khoảng 853 triệu đồng. Thế nhưng, mấy năm nay, ngân hàng buộc tôi trả đủ tiền nợ gốc là vô lý, đẩy tôi vào chỗ khó khăn”. 
 
Cùng cảnh ngộ trên, ông Lệ Quang Vinh, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành (An Giang), bức xúc: “Ngay từ đầu tham gia đến thời điểm lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, nông dân làm rất tốt từ việc vay vốn mua thức ăn, chăm sóc cá và giao cá đúng hẹn, đạt chất lượng cho doanh nghiệp.
 
Gia đình tôi vay chi phí thức ăn 9,6 tỷ đồng nhưng đã giao cá hơn 9,7 tỷ đồng, còn dư hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng ngân hàng không chịu trả cho tôi hơn 100 triệu đồng dư ra, không giao lại tài sản thế chấp hơn 2,7 tỷ đồng, mà còn yêu cầu tôi trả nợ gốc là không chấp nhận được. Ngân hàng còn đưa tôi vào nợ xấu khiến gia đình kiệt quệ vì không còn vốn làm ăn”. 
 
Tỉnh mong giải quyết sớm vụ việc
 
Đến nay đã hơn 3 năm kể từ khi chuỗi liên kết cá tra đầu tiên ở An Giang đổ vỡ. Các ngành chức năng An Giang có rất nhiều cuộc họp, tìm nhiều hướng giải quyết nhưng mọi việc cứ giậm chân tại chỗ.
 
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, ngụ TP Long Xuyên (hộ tham gia chuỗi), cho biết: “Cần thấy rằng, Công ty Thuận An là do tỉnh An Giang và ngân hàng chọn để làm đầu mối thực hiện. Còn nông dân tham gia chuỗi chỉ vay vốn bằng thức ăn, sau đó “trả nợ” bằng việc giao cá cho Công ty Thuận An.
 
Khi lãnh đạo Công ty Thuận An ôm tiền bỏ trốn, kéo theo chuỗi đổ vỡ thì trách nhiệm này là của ngành chức năng và ngân hàng. Song, ngân hàng đẩy cho nông dân chịu bằng cách buộc trả nợ thức ăn; điều này dẫn đến nông dân phải trả nợ 2 lần (vì trước đó đã giao cá cho công ty rồi). Do đó, nông dân không đồng ý nên gửi đơn khiếu kiện khắp nơi…”. 
 
Trước tình hình trên, tháng 3-2017, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị phương án giải quyết. Cụ thể, những nông dân tham gia chuỗi có tổng dư nợ với ngân hàng hơn 78 tỷ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn 37,7 tỷ đồng; Công ty Thuận An còn nợ tiền mua cá của nông dân là 62,7 tỷ đồng. Tỉnh An Giang đề xuất, nợ vay mua thức ăn của nông dân với ngân hàng được chuyển sang cho Công ty Thuận An và công ty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo chuỗi liên kết.
 
Sau đó, ngân hàng trả lại tài sản thế chấp cho nông dân. Đây là phương án hợp lý, được các ngành chức năng ở An Giang và nông dân đồng tình; tuy nhiên ngân hàng không chấp nhận, vì cho rằng trong hợp đồng tín dụng không có quy định chuyển nợ!  
 
Ông Lê Văn Nưng cho rằng: Chuỗi liên kết cá tra là chủ trương đúng và hướng đi đúng, song trong quá trình vận hành đã có những sơ suất. Cụ thể, phía ngân hàng được giao quản lý toàn bộ dòng vốn thì phải biết giải ngân bao nhiêu, thời điểm nào cho hợp lý... Nông dân tham gia chuỗi làm tốt, không có lỗi. Do đó, tỉnh rất ngại khi thấy bà con bị thiệt thòi, khốn khó từ khi chuỗi đổ vỡ. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng xin lỗi nông dân và đang quyết tâm giải quyết sớm việc này trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con.
 
HUỲNH LỢI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu