Nên tăng tín chỉ chuyên ngành
Giải đáp cho câu hỏi “tại sao có tiêu chí kiểm định chất lượng rồi mà phải xây dựng chuẩn chương trình đào tạo”, PGS-TS Đoàn Thị Minh Trinh, nguyên Phó Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng có chuyên gia nước ngoài bảo, cầu thủ bóng đá phải theo luật của FIFA, còn để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp phải trải qua các trung tâm huấn luyện, các “lò” đào tạo chuyên nghiệp… Nói như thế để thấy rằng chuẩn chương trình đào tạo là cần phải có. Đây chính là chuẩn tối thiểu để các trường xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo. Ví dụ như tiêu chuẩn kiểm định của ABET thì ngành kỹ thuật phải có tối thiểu 25% chương trình dạy toán và khoa học tự nhiên. Muốn chương trình đạt chuẩn, phải đáp ứng thông số này. Bộ Tiêu chuẩn kiểm định của Việt Nam chưa có thông số như vậy.
Sinh viên năm cuối ngành Răng - Hàm - Mặt Trường Đại học Y Dược TPHCM
trong giờ học thực hành
Góp ý với dự thảo chuẩn chương trình đào tạo, Th.S Lê Văn Hiển, Phó phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM, phân tích cấu trúc 120 tín chỉ trong dự thảo quy định khối giáo dục đại cương 30 tín chỉ, cơ sở ngành 30, kiến thức ngành 54, tự chọn 6. Lấy thực tế từ ngành luật, ông Hiển cho rằng khối kiến thức đại cương và cơ sở ngành như vậy là quá nhiều, trong khi kiến thức ngành lại quá ít. Cần tăng thời lượng cho kiến thức ngành mới đảm bảo chất lượng đào tạo. Tương tự, PGS-TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết chương trình đào tạo của các trường hiện khoảng 140 tín chỉ. Dự thảo quy định chương trình đào tạo hiện nay 120 tín chỉ. Nếu kiến thức đại cương đã 30 tín chỉ, thời lượng cho kiến thức chuyên ngành sẽ giảm. Còn nếu vẫn đảm bảo số tín chỉ chuyên ngành cần thiết, khối lượng chương trình đào tạo sẽ phải trên 120 tín chỉ.
Là trường chuyên đào tạo nhóm ngành kinh tế, PGS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng trong dự thảo, cấu trúc đào tạo chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu và thạc sĩ định hướng ứng dụng bằng nhau là chưa hợp lý. Ở Anh, thời gian đào tạo thạc sĩ ứng dụng chỉ 1 năm, ít hơn so với thạc sĩ định hướng nghiên cứu. Do đó, cần rút ngắn thời gian đào tạo thạc sĩ ứng dụng. Nếu quy định như thế thì chương trình thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo theo ứng dụng, thực hành sẽ quá nặng.
Để các trường linh động
PGS-TS Lê Tuấn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), kiến nghị: Chương trình chuẩn chỉ nên quy định phần trăm các khối kiến thức để các trường linh động, thay vì số lượng tín chỉ cụ thể như dự thảo. Chuẩn chương trình phải là chuẩn tối thiểu để các trường làm cơ sở, xây dựng chương trình đào tạo cho linh động, phù hợp với thực tế.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), việc Bộ GD-ĐT xây dựng chuẩn chương trình là điều cần thiết và đã được luật định. Điều này sẽ giúp các trường xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan, thể hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường. Khi xây dựng, Bộ GD-ĐT không nên áp đặt mà đảm bảo tính linh hoạt, để các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, trường ĐH, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức kiểm định… thống nhất về chuẩn cũng như chất lượng cần đạt được.
Trao đổi với ý kiến của các trường, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, nhấn mạnh: “Việc ban hành chuẩn chương trình đào tạo tối thiểu là cần thiết, để đảm bảo sự tương đồng về chuẩn đào tạo giữa các chương trình đào tạo cùng ngành ở cùng trình độ. Việc xây dựng chuẩn chương trình giúp tránh trường hợp chương trình đào tạo không theo chuẩn nào, không đạt được chuẩn tối thiểu, không hội nhập được. Các trường thiết kế và phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn này, trong đó đảm bảo sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá, đảm bảo chất lượng dựa trên các chuẩn tối thiểu này gắn với khung trình độ quốc gia. Đây mới chỉ là bản dự thảo sơ khởi, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các trường, ban soạn thảo sẽ ghi nhận; đồng thời thành lập hội đồng tư vấn các nhóm ngành với nòng cốt là người từ các trường để xây dựng chuẩn, thông qua hội đồng thẩm định trước khi ban hành chính thức”.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ là quy định về những yêu cầu tối thiểu mà mỗi chương trình đào tạo trong giáo dục ĐH cần đạt được. Song song đó, quy định cũng đảm bảo quyền tự chủ để các trường điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và hội nhập về giáo dục với khu vực và quốc tế. Ngoài ra, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, công nhận lẫn nhau và quan trọng nhất là làm tiền đề để thực hiện kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia.
THANH HÙNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)