Thứ ba, 14/07/2020,15:42 (GMT+7)
Chương trình OCOP - Nâng tầm nông sản địa phương
Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Chương trình góp phần thúc đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công,... để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt.
 
Lạp xưởng Cô Châu (huyện Cần Đước) được người tiêu dùng ưa chuộng
Lạp xưởng Cô Châu (huyện Cần Đước) được người tiêu dùng ưa chuộng
 
Tận dụng lợi thế
 
Với lợi thế về diện tích sản xuất và chất lượng sản phẩm, các loại rau trồng tại 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An có thể hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP.
 
Hiện 2 huyện này có trên 2.800ha chuyên canh rau. Các loại rau trồng chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị, còn lại là rau ăn quả.
 
Theo nhiều doanh nghiệp, các loại rau ăn lá, đặc biệt là rau gia vị trồng tại 2 địa phương này có mùi vị rất thơm. Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) nổi tiếng với vùng trồng cải bẹ xanh.
 
Đây cũng là HTX điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, huyện Cần Đước cũng chọn rau cải bẹ xanh của HTX này là 1 trong 3 sản phẩm chủ lực của huyện tham gia chương trình OCOP ở tỉnh.
 
Điểm đáng chú ý trong canh tác rau an toàn của HTX là hệ thống nhà lưới, tưới tự động được đầu tư bài bản, chi phí phù hợp. HTX hiện sản xuất khoảng 10 loại rau ăn lá với diện tích 8,1ha. Hầu hết thành viên đều trồng rau trong nhà lưới, thực hiện quy trình bán hữu cơ, sử dụng phân sinh học.
 
Rau được chọn làm sản phẩm trong chương trình OCOP
Rau được chọn làm sản phẩm trong chương trình OCOP
 
Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai - Lê Văn Giấy chia sẻ: “Hiện nay, các thành viên rất phấn khởi vì đầu ra nông sản ổn định, thu nhập cao hơn so với trước. Tôi mong chương trình OCOP sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp với nông dân tiến gần nhau hơn để nông sản có nhiều thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Còn hiện tại, HTX cung cấp các loại rau an toàn cho siêu thị và doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh”. Cùng với cải bẹ xanh Long Khê, lạp xưởng Cô Châu là 2 trong số nhiều sản phẩm của tỉnh được chọn trong chương trình OCOP.
 
Chị Lưu Thị Kim Châu - chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước), cho biết: “Cơ sở hiện đa dạng hóa sản phẩm lạp xưởng, tạo sản phẩm lạp xưởng ăn liền, dòng sản phẩm cao cấp, kéo dài thời gian bảo quản. Bên cạnh đó, cơ sở còn đầu tư máy xay trộn, máy tiệt trùng, máy sấy sản phẩm ăn liền, máy phân khúc, tạo website quảng bá, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc,...”.
 
 
Tỉnh có hơn 40 sản phẩm có thể phát triển đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, gồm: 23 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 11 sản phẩm thuộc nhóm trang trí nội thất; 7 sản phẩm thuộc nhóm du lịch nông thôn.
 
 
Theo đánh giá phân hạng của chương trình OCOP, hiện HTX Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) ở mức 62 điểm (3 sao), đây là tiền đề cho chuẩn 4 sao trong năm tiếp theo. Giám đốc HTX - Đặng Duy Dũng cho biết: “Hiện tại, sản phẩm của HTX được chọn và tham gia chương trình OCOP. Để phát huy lợi thế, HTX hướng đến sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững sản lượng cung cấp cho khách hàng, đặc biệt, tiêu chí an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu”.
 
Theo đó, năm 2020, huyện Cần Giuộc đề xuất 9 sản phẩm tiêu biểu tham gia Đề án OCOP: Cốm ngò; lạp xưởng tôm; tôm sú, tôm thẻ chân trắng; rau ăn lá, rau mùi các loại, nước mát; dưa lưới; hoa phong lan; trang sức vàng bạc; rau má và cải xà lách xoong. Huyện đã tổ chức tập huấn cho các đối tượng về OCOP, hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư sản xuất và kết hợp chương trình ứng dụng công nghệ cao, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Nâng tầm sản phẩm
 
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong của Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM có những chuyến khảo sát, thống kê hiện trạng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và nhận thấy nhiều sản phẩm chủ lực để tham gia chương trình OCOP. Theo giới chuyên gia, các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng tại địa phương khi tham gia OCOP thì cần phát huy lợi thế để hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất những đặc sản này phải được quan tâm nhiều hơn, cần hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để nâng tầm sản phẩm.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Thời gian tới, tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng có lợi thế của mỗi địa phương; phân công cụ thể nội dung đề án cho từng cơ quan chuyên môn gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện; rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể để gắn phát triển ngành nghề với triển khai Đề án OCOP trên địa bàn. Các địa phương cần triển khai các bước thực hiện chu trình OCOP; tuyên truyền về Đề án OCOP; tổ chức đánh giá sản phẩm cấp huyện để chọn sản phẩm tham gia cấp tỉnh.
 
Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí địa phương và lồng ghép kinh phí từ ngân sách cấp trên phân bổ cho địa phương trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác để thực hiện Đề án OCOP; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để đa dạng hóa kinh phí triển khai Đề án OCOP trên địa bàn.
 
Mục tiêu năm 2020 sẽ nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm hiện có, phấn đấu có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 8-10 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên; đồng thời hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc, máy móc, trang thiết bị,... cho sản phẩm đang được sản xuất tại các địa phương”.
 
Gạo tím của Hợp tác xã Kiến Bình (huyện Tân Thạnh) cũng là một trong những sản phẩm trong chương trình OCOP
Gạo tím của Hợp tác xã Kiến Bình (huyện Tân Thạnh) cũng là một trong những sản phẩm trong chương trình OCOP
 
“Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia thực hiện đề án (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm theo các tiêu chí sản phẩm OCOP; hoàn thiện hệ thống phân phối, chủ động các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP bảo đảm đạt chuẩn theo quy định” - bà Khanh nói thêm./.
 
Huỳnh Phong - (baolongan.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu