Thứ năm, 29/04/2021,08:11 (GMT+7)
Chuyện của hành tím và gạo ST
50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu tồn đọng đang kêu gọi giải cứu. Gạo ST24, ST25 đang bị 5 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ. Đó là 2 câu chuyện đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận trên cả nước. Cả 2 câu chuyện trên tuy không phải là vấn đề mới, nhưng phần nào cho thấy vẫn còn đó một khoảng trống giữa sản xuất gắn với thị trường và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia.

Nói không mới bởi lẽ đây không phải là lần đầu tiên hành tím Vĩnh Châu cần đến sự giải cứu từ người tiêu dùng. Còn chuyện một sản phẩm nổi tiếng bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu cũng từng xảy ra đối với nước mắm Phú Quốc và gần hơn là bánh pía Tân Huê Viên.
 
Sau đợt tăng giá mạnh đầu vụ hành sớm, hiện hành tím Vĩnh Châu đang giảm giá mạnh và tồn đọng 50.000 tấn cần được giải cứu. Ảnh: TÍCH CHU
 
Nếu như thời hoàng kim trước đây của hành tím Vĩnh Châu, cho dù diện tích sản xuất có lúc lên đến hơn 10.000ha nhưng cứ “hết vụ là hết hành”.
 
Cái thời hoàng kim của hành tím cũng khá dài chủ yếu nhờ xuất khẩu thuận lợi sang một số thị trường truyền thống lớn, như: Indonesia, Malaysia…
 
Tuy nhiên, sau khi việc xuất khẩu không còn thuận lợi, việc tiêu thụ hành tím cũng bắt đầu gặp khó cho dù diện tích trồng hành đã giảm đến gần một nửa so với thời hoàng kim. Cung – cầu luôn rất quan trọng đối với mọi sản phẩm, nên việc sản xuất rất cần được gắn với thị trường tiêu thụ, nhất là đối với những sản phẩm khó bảo quản như củ hành tím.
 
Thế nhưng, số diện tích trồng hành tím có được hợp đồng tiêu thụ đến giờ này là rất ít ỏi, nên việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào một số doanh nghiệp, đại lý tại địa phương.
 
Sự khó khăn trong tiêu thụ hành tím không chỉ đơn thuần đến từ thị trường xuất khẩu (dù chiếm một tỷ trọng lớn sản lượng), mà còn do củ hành tím không còn là của riêng của Vĩnh Châu nữa. Từ huyện Trần Đề, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho đến một số vùng của tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu… đều trồng được hành tím với năng suất và chất lượng không thua kém là bao so với Vĩnh Châu.
 
Và mới năm ngoái đây thôi, một chị bạn vốn là giảng viên Khoa Trồng trọt Trường Đại học Cần Thơ cho hay, vùng Phong Điền của TP. Cần Thơ cũng có người trồng được hành tím dù màu sắc và độ cay nồng không bằng ở Sóc Trăng. Đây cũng là một phần nguyên nhân vì sao diện tích hành tím Vĩnh Châu đã giảm nhưng vẫn khó tiêu thụ.
 
Trở lại với câu chuyện giải cứu hành tím Vĩnh Châu mới thấy hết khoảng trống giữa sản xuất với tiêu thụ mới chính là rào cản quan trọng cho sự phát triển của sản phẩm đặc sản này. Đầu vụ hành sớm năm nay, giá hành tím cao ngất ngưởng, vượt trên 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg.
 
Với giá hành trên, cộng với năng suất trên 1 tấn/công thì mỗi công hành (1.000m2), người trồng hành có lợi nhuận từ 30 - 50 triệu đồng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, sau đó giá hành cứ giảm dần và đến cuối tháng 1-2021, khi người viết có dịp trở lại TX. Vĩnh Châu thì giá hành tím loại tốt chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg. Đến khi vào vụ thu hoạch hành chính vụ, giá hành không những rơi xuống tận đáy mà còn rất khó tiêu thụ và hiện đang kêu gọi giải cứu.
 
Câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo ST24, ST25 đang nóng lên khi có doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu 2 loại gạo này. Ảnh: TÍCH CHU
 
Trái ngược với hành tím, cả 2 sản phẩm gạo ST24, ST25 đang được tiêu thụ rất tốt tại thị trường trong và ngoài nước nhờ liên tục có mặt trong top 3 gạo ngon nhất thế giới sau 3 lần dự thi. Đặc biệt sau khi từ giải nhất ở hội thi năm 2019, xuống giải nhì ở năm 2020 đã làm bùng lên nhiều luồng ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội vô tình tạo nên đợt marketing cho gạo ST25. Một cơ hội kinh doanh không thể tốt hơn đối với 2 sản phẩm gạo này chính là lý do để một số doanh nghiệp tại Mỹ nhanh chân đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm giữ thế độc quyền trong kinh doanh. Nhiều người quan tâm đến ST24, ST25 tỏ ra lo lắng cho viễn cảnh mất thương hiệu 2 loại gạo này tại thị trường Mỹ.
 
Ở đây cần thấy rõ, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chỉ là đơn vị sở hữu về giống ST24 và ST25 chứ không được độc quyền về gạo. Hơn nữa, nếu xem xét kỹ hơn sẽ thấy các doanh nghiệp đang đăng ký bảo hộ tại Mỹ cũng chỉ là hình thức bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nhằm tạo dấu hiệu nhận biết gạo ST24, ST25 của doanh nghiệp họ.
 
Điều này cũng tương tự một số doanh nghiệp trong nước đang sản xuất, kinh doanh gạo ST24, ST25 từ nguồn giống do DNTN Hồ Quang Trí cung cấp.
 
Hay nói cách khác, họ chỉ có quyền sở hữu nhãn hiệu chứ không phải sở hữu 2 loại gạo trên. Tuy nhiên, để tránh những rắc rối về sau, hiện các bộ, ngành chức năng cũng đã lên tiếng và tư vấn cho DNTN Hồ Quang Trí để sớm xử lý vấn đề trên.
 
Ai cũng biết, bảo vệ thương hiệu chính là cách tốt nhất nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường, nên mỗi sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu riêng mà trong đó đăng ký bảo hộ sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp là không thể thiếu.
 
TÍCH CHU - (baosoctrang.org.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu