Thứ năm, 29/10/2020,07:15 (GMT+7)
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do thời tiết biến đổi thất thường, giá cả nông sản biến động, ảnh hưởng của dịch bệnh. Các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Cờ Đỏ đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Lãnh đạo HND huyện Cờ Đỏ thăm mô hình trồng màu trên địa bàn.
Lãnh đạo HND huyện Cờ Đỏ thăm mô hình trồng màu trên địa bàn.
 
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch HND huyện Cờ Đỏ, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (NDSXKDG) luôn được các cấp HND huyện Cờ Đỏ quan tâm tổ chức thực hiện. Đồng thời, xem đây là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội và phong trào nông dân. Trong 5 năm qua, phong trào NDSXKDG phát triển sâu rộng, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, có ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Điển hình như ông Hà Ngọc Lễ, ngụ tại ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Nhiều năm trước, gia đình ông Lễ sản xuất chủ yếu 3 vụ lúa kết hợp với nuôi thủy sản. Do giá lúa, thủy sản bấp bênh, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Ban đầu, ông Lễ trồng 1.200 gốc na Thái và na Đài Loan. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần trồng lúa, ông Lễ nhân rộng mô hình, trồng thêm 1.000 gốc mới. Với giá bán từ 40.000-75.000 đồng/ký, ước tính mỗi đợt, ông thu hoạch khoảng 1-1,2 tấn trái/héc-ta, trừ chi phí, ông lãi trên 180 triệu đồng.
 
Ông Trần Văn Mới, ngụ tại ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, cũng là một trong những nông dân thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo chia sẻ của ông Mới, trước đây, gia đình ông chỉ trồng lúa, thu nhập không cao. Đầu năm 2017, ông quyết định chuyển đổi sang trồng 515 gốc cam xoàn trên 2ha đất. Trước khi cây cam cho trái, ông trồng xen các loại rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình này đã giúp ông Mới trở nên khấm khá. Với giá dao động khoảng 18.000 đồng/ký, lợi nhuận mỗi năm từ mô hình khoảng 160 triệu đồng và lợi nhuận trồng xen màu khoảng 18 triệu đồng.
 
Thời gian qua, nông dân huyện Cờ Đỏ đã năng động, tích cực lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Qua bình xét hằng năm, trên địa bàn huyện có 8.362 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. Theo lãnh đạo HND huyện, để đạt được kết quả này, các cấp HND huyện đã hỗ trợ, giúp đỡ hội viên bằng nhiều hoạt động cụ thể. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức trên 243 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 7.463 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc lúa, cây ăn trái; tổ chức 512 cuộc hội thảo đầu bờ. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, 5 năm qua, HND huyện đã hỗ trợ cho trên 575 lượt hội viên, nông dân vay vốn (trung bình hằng năm trên 4 tỉ đồng); vận động thành lập 138 tổ vay vốn và tiết kiệm, hỗ trợ 6.467 lượt hộ hội viên nông dân vay trên 179 tỉ đồng; bảo lãnh tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 45 hộ vay 1,3 tỉ đồng.
 
Từ sự hỗ trợ của các cấp HND, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: mô hình trồng thanh nhãn, nhãn Ido, mãng cầu xiêm tại xã Thới Hưng; mô hình trồng sen tại xã Đông Hiệp; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Trung Hưng, xã Thạnh Phú; mô hình trồng màu dưới chân ruộng tại xã Đông Thắng; mô hình chăn nuôi heo sinh sản tại xã Thới Đông; mô hình trồng chuối cấy mô xã Thới Hưng,… Bên cạnh đó, việc liên kết thành lập các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất đã tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ, làm cho năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng... 
 
Bài, ảnh: Kiến Quốc - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu