TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu chuyển đổi số ngành y tế, gắn với xây dựng thành phố thông minh. Ngành y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời mang lại những tiện ích trong công tác cải cách hành chính, quản lý ngành. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý người hành nghề, nắm rõ được sự biến động nhân sự trong từng cơ sở khám, chữa bệnh; trích xuất và đồng bộ dữ liệu vào hệ thống dữ liệu mở của trung tâm dữ liệu thành phố với gần 50 nghìn chứng chỉ hành nghề y, hơn 7.000 giấy phép hoạt động của các cơ sở y tế, hơn 44 nghìn dữ liệu về nhân viên y tế đã được nhập liệu mã hóa đưa vào hệ thống quản lý và đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Các bệnh viện thực hiện số hóa toàn bộ danh mục kỹ thuật đang được áp dụng tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bình cho biết: Chúng tôi đang triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối. Hiện thành phố có 48 trạm y tế mô hình điểm nhằm nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại các trạm y tế thông qua ứng dụng công nghệ kết nối các bác sĩ của trạm y tế với các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện thành phố để được tư vấn chuyên môn, hội chẩn từ xa. Một số đơn vị đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng năng lực khám, chữa bệnh, như Bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật bằng rô-bốt ngoại tổng quát; Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai hệ thống nhắc và giám sát thời gian thực trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện…
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 được đưa vào vận hành để quản lý, cập nhật thông tin và diễn tiến của người cách ly, theo dõi tình hình tiếp nhận người cách ly tại các khu cách ly và bệnh viện… từ đó kịp thời điều phối đến các cơ sở còn khả năng tiếp nhận. Triển khai đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm Covid-19 bằng phần mềm đánh giá trực tuyến, tạo điều kiện cho tất cả cơ sở y tế trên địa bàn tham gia đánh giá. Triển khai ứng dụng Bluezone; ứng dụng CNTT trong khai báo y tế tại các bệnh viện thay thế cho tờ khai giấy, sử dụng máy rửa tay, kiểm tra thân nhiệt. Các bệnh viện điều trị Covid-19 đặt hàng và lắp đặt rô-bốt khử khuẩn, vận chuyển hàng hóa trong bệnh viện. Triển khai khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tăng cường triển khai ứng dụng Telemedicine nhằm kết nối hệ thống điều trị tuyến cơ sở với các bệnh viện chuyên khoa…
Tuy nhiên, hạ tầng CNTT, phần mềm ứng dụng, hạ tầng mạng và phần cứng ở các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Phần lớn cơ sở y tế chưa có trung tâm dữ liệu đạt chuẩn theo quy định, chỉ có phòng máy chủ. Các cơ sở y tế chủ yếu dùng máy chủ để lưu trữ dữ liệu ít khi có hệ thống lưu trữ chuyên dụng, hệ thống máy chủ chưa đủ mạnh để vận hành hệ thống phần mềm và chưa có cơ chế hoạt động song song trong hệ thống vận hành xuyên suốt. Hệ thống mạng cũng chưa được đầu tư đúng mức, một số cơ sở y tế còn dùng các thiết bị mạng dùng cho gia đình mà không trang bị các thiết bị mạng chuyên dùng, do đó chưa đáp ứng đủ lưu lượng về băng thông cũng như bảo đảm tính ổn định của hệ thống. Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện chủ yếu được xây dựng theo yêu cầu của từng bệnh viện, kiến trúc kỹ thuật đặc thù riêng, không thống nhất trục thông tin quản lý bệnh viện chung... Dẫn đến, công nghệ sử dụng trên phần mềm lạc hậu, khó khăn khi ứng dụng chữ ký số để thực hiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số hoặc không bảo đảm được tính toàn vẹn dữ liệu.
Để có thể triển khai thành công công cuộc chuyển đổi số thì cần sớm thay đổi về các quy định liên quan hồ sơ lưu trữ, phương pháp quản lý và thói quen làm việc của nhân viên và cán bộ y tế. Hầu hết quy trình, quy định trong các cơ sở y tế hiện nay chủ yếu phục vụ cho công việc truyền thống là trên cơ sở giấy, chữ ký truyền thống. Để thực hiện công việc trên nền tảng số, dùng chữ ký số thì toàn bộ quy trình, quy định trong hoạt động hành chính phải được thay đổi. Điều quan trọng nhất, đó là sự hưởng ứng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại giúp người dân thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y tế vẫn còn rất thấp, điều này sẽ kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế, tác động không nhỏ đến mục tiêu và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế.
Mặt khác, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số trên phương diện quốc gia, nhất là quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, bệnh án trên môi trường điện tử, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng. Hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế. Cơ sở dữ liệu chung của ngành y tế cần sớm được hình thành, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương với hệ thống dữ liệu y tế quốc gia. Xem xét chủ trương cho phép thành lập các trung tâm CNTT thuộc các địa phương nhằm tăng cường nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động CNTT trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ sở y tế trên cùng địa bàn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích các chuyên gia CNTT làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư CNTT vào cấu thành giá bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế yên tâm, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cải tiến chất lượng phục vụ người dân.