Thứ hai, 14/06/2021,01:15 (GMT+7)
Chuyển đổi tư duy đầu tư làm kinh tế nông nghiệp
Trong 3 năm qua, nông nghiệp được xem là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Số lượng doanh nghiệp (DN) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) thành lập mới tăng đều trong 3 năm; đồng thời cũng là khu vực có số lượng DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động ít hơn các lĩnh vực khác.

Song đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, nên DN và người dân đều cần chính sách hỗ trợ sát thực tiễn hơn để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.
 
Điểm nghẽn trong phát triển
Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long và được DN bao tiêu đầu ra.
Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long và được DN bao tiêu đầu ra.
 
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu. Năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỉ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% và về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tập trung vào chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao và có thị trường xuất khẩu đa dạng. Ngoài ra, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, đóng góp của khoa học và công nghệ đạt trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
 
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 2,71%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Ngành Nông nghiệp đã có bước chuyển đổi về chất, đầu tư của DN vào nông nghiệp gia tăng, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư theo chuỗi giá trị. Thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2016-2019, DN khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) có 10.085 DN, chiếm 1,3% tổng số DN cả nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn này, tốc độ tăng DN đang hoạt động khu vực I là cao nhất, đạt 27,3%; khu vực II chỉ tăng 15,7% và khu vực III là 13,7%. Nguyên nhân được lý giải là do các DN khu vực I có tỷ lệ giải thể, tạm ngừng kinh doanh thấp hơn hai khu vực còn lại trong 2 năm (2016-2017); đồng thời hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội hơn cho DN.
 
Năm 2020, cả nước có 2.640 DN thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 30,1% so với năm 2019. Và trong 5 tháng đầu năm 2021, khu vực I đón thêm 892 DN gia nhập thị trường, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp khó khăn của đại dịch COVID-19. Số DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm khoảng 1,5% tổng số DN cả nước (khoảng 13.500 DN). Sự phát triển của DN là động lực để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, đồng thời giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều địa phương, cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. 
 
Trên thực tế, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương còn thiếu chủ động trong ban hành cơ chế, chính sách triển khai Nghị định 57. Cả giai đoạn 2016-2020, chỉ có 31 dự án tại 15 địa phương được hỗ trợ theo Nghị định 57 (trung bình 3,7 tỉ đồng/dự án), một phần cũng do ngân sách trung ương và địa phương không đủ nguồn lực bố trí, lúng túng trong hỗ trợ DN. 
 
Gỡ nút thắt về chính sách
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển DN đầu tư vào nông nghiệp để thay thế Nghị định 57 của Chính phủ. Theo tính toán của Bộ này, trong điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, ngân sách Trung ương hằng năm cần bố trí tối thiểu 5% vốn đầu tư vào nông nghiệp. Bộ đề nghị Chính phủ xem xét, sớm bố trí vốn hỗ trợ cho các địa phương. Cụ thể giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là khoảng 8.600 tỉ đồng để thực hiện khoảng 800 dự án với tổng mức đầu tư trên 107.000 tỉ đồng. Đối tượng hỗ trợ là DN đầu tư trên lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học (theo Điều 16, Luật Đầu tư năm 2020). Cơ chế hỗ trợ sẽ kế thừa cơ chế hỗ trợ sau đầu tư của Nghị định 57.
 
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016-2020, mức hỗ trợ từ ngân sách là 6%/tổng mức đầu tư dự án. Giai đoạn 2021-2025 khoảng 8% (tương đương 8.600 tỉ đồng) và giả thiết tối đa mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 10% thì sẽ thu hút được khoảng 9.000 tỉ đồng từ các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nếu mỗi dự án hình thành tương ứng với một DN có vốn khoảng 100 tỉ đồng và giả định có 100 DN gia nhập thị trường mỗi năm sẽ tạo ra ít nhất 10.000 lao động trực tiếp, 30.000 lao động gián tiếp... Điều đó sẽ góp phần chuyển dịch nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cải thiện cuộc sống, thay đổi diện mạo nông thôn.
 
Giảm bớt các rào cản cho DN là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng để triển khai có hiệu quả cần sự năng động của các địa phương. Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã ban hành chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hằng năm đều ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cơ sở, DN chế biến nông, thủy sản các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại. Song, nguồn lực của địa phương còn hạn chế, nên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương.
 
Trên thực tế, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao, công tác quy hoạch của các địa phương vẫn còn bất cập, yếu kém nên khó thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nêu thực tế: “Tại ĐBSCL, có nhiều địa phương chuyển đổi ồ ạt đất lúa sang trồng cây ăn trái. Trồng lúa 3 tháng thu hoạch nhưng trồng cây ăn trái thì kỹ thuật phức tạp hơn nhiều, đầu tư lớn và nông dân phải am hiểu cây trồng, thị trường. Và chuyển đổi chỉ có hiệu quả khi dựa trên quy hoạch vùng trồng. Có vùng chuyên canh thì kêu gọi DN đầu tư rất dễ. Sau quy hoạch là câu chuyện đào tạo, nguồn giống, tập huấn cho nông dân, hướng dẫn chăm sóc và các hạ tầng cơ sở đi kèm phải được đầu tư bài bản”. Theo TS Thoại, việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp cần lộ trình và bước đi căn cơ.
 
Bài, ảnh: GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu