Thứ hai, 18/11/2019,12:51 (GMT+7)
Cơ cấu lại chủng loại gạo xuất khẩu
Qua đó giúp tăng các hợp đồng giá trị cao và giảm dần lệ thuộc vào những thị trường truyền thống
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng gạo xuất khẩu (XK) 9 tháng đầu năm ước đạt 5,2 triệu tấn, trị giá 2,24 tỉ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
 
Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu do các thị trường truyền thống đều giảm nhập khẩu. Điều này cho thấy Việt Nam cần tăng cường các loại gạo có giá trị cao để chinh phục những thị trường khó tính.
 
Tăng xuất khẩu đặc sản
Cơ cấu chủng loại XK gạo từ năm 2018 đã thay đổi đáng kể. Loại gạo trắng đã giảm còn 51% tổng giá trị gạo XK, gạo Jasmine và gạo thơm các loại đã tăng lên 32%, gạo dẻo các loại chiếm 12% và gạo hạt tròn (Japonica) chiếm khoảng 5%. Đặc biệt, các loại gạo chất lượng thấp chỉ chiếm 2%.
 
Hiện nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân gieo cấy những giống lúa thơm, lúa hữu cơ hay lúa có chất lượng cao. Tại ĐBSCL, diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm hơn 52%. Trong đó, diện tích lúa thơm và lúa đặc sản chiếm hơn 22% trong vụ lúa hè thu năm 2018.
Cơ cấu lại chủng loại gạo xuất khẩu - Ảnh 1.
Nông dân ĐBSCL đang dần chuyển hướng trồng giống lúa chất lượng thấp sang giống chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu Ảnh: NGỌC TRINH
TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho rằng Việt Nam định hướng giảm dần những hợp đồng XK với khối lượng lớn nhưng giá trị thấp. Đồng thời, tăng dần những hợp đồng thương mại với lượng nhỏ nhưng giá trị cao. Mục đích là để ngành sản xuất lúa gạo giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và phát triển mạnh sang thị trường khó tính có giá trị cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Singapore.
 
Thống kê vào năm 2018 cho thấy những hợp đồng XK thương mại đã lên đến hơn 5 triệu tấn gạo, chiếm hơn 88% (tăng gần 3% so với năm 2017). Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đến năm 2030, 50% lượng gạo xuất khẩu sang châu Á, 25% xuất sang châu Phi, 10% đến châu Mỹ... Trong đó, gạo trắng chỉ chiếm 25%, các loại gạo thơm và đặc sản chiếm đến 40%, gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao chiếm trên 10%.
 
Nông dân chuyển hướng
Dự kiến trong vụ đông xuân tới, ông Lê Văn Lắm (ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) gieo sạ giống Đài Thơm 8 trên 10 công trồng lúa. Ba năm trước, ông trồng lúa IR 50404 nhưng năng suất không cao, giá bấp bênh, nhiều khi thương lái đã đặt cọc nhưng cuối vụ lại không mua. Sau khi được ngành nông nghiệp tập huấn, ông đã chọn giống Đài Thơm 8 để gieo sạ.
 
"Giống này cho năng suất khá cao, thương lái tranh nhau mua khi đến vụ thu hoạch" - ông Lắm hy vọng.
Tương tự, nhận thấy lúa IR 50404 từ lâu bán giá thấp nên 2 vụ vừa qua, ông Nguyễn Công Lý (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã chuyển 10 ha ruộng sang trồng lúa Nàng Hoa. Loại lúa thơm này dễ bán, không chỉ được thị trường XK ưa chuộng mà thị trường nội địa cũng tiêu thụ mạnh.
 
ĐBSCL có khoảng 1,7 triệu ha đất lúa và gieo trồng hằng năm khoảng 4,2 triệu ha. TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết từ năm 2015-2018, diện tích gieo trồng các giống lúa thơm, đặc sản tăng từ 11,4% lên 17,5%, giống lúa chất lượng cao tăng từ 39,8% lên 41% và giảm dần nhóm lúa chất lượng trung bình và thấp, từ 29% còn 26,5%.
 
Diện tích sản xuất lúa theo quy trình canh tác hữu cơ còn quá ít và chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhóm giống theo tiểu vùng sinh thái.
 
Ông Trần Thái Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ, cho hay trung tâm đã hợp tác với nhiều hộ nông dân sản xuất giống OM 5451 để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường. Nhiều nông dân tại địa phương đang dần chuyển hướng sang sản xuất lúa chất lượng cao, gạo ngon đáp ứng nhu cầu XK.  
 

Cần giống lúa mới có phẩm chất tốt

Giá trị XK gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước. Trong tháng 9-2019, giá gạo Việt Nam ở mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Trong khi giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 366-374 USD/tấn lên 373-379 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan giảm từ 410-422 USD/tấn xuống 400-418 USD/tấn thì gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 325 - 330 USD/tấn xuống 325 USD/tấn.

"Cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận, quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì ổn định của chất lượng giống, lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu. Trên cơ sở nghiên cứu, chọn tạo giống đã đạt được, doanh nghiệp XK cần hợp tác và đầu tư trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình canh tác lúa phù hợp, lúa hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao hơn nữa giá trị hạt gạo Việt Nam" - TS Trần Ngọc Thạch kiến nghị. 

CA LINH link - (nld.com.vn)
T/h: M.Phúc - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu