Tôi và Đan Vi Phương - người ở Hà Nội, người ở Côn Đảo, nói với nhau vượt qua không gian của sóng, của gió, của trời, của đất. Câu chuyện về một Côn Đảo hôm nay. Côn Đảo của những người trẻ, những người Việt và cả những người từ phương trời xa, từng đến, trót yêu và lựa chọn ở lại.
Tàu xả rác trực tiếp ra biển khiến cho cảng Bến Đầm trở thành điểm nóng về môi trường. Ảnh: WWF
Mùa gió chướng…
Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ nỗi buồn bấy lâu nay vẫn ám ảnh Côn Đảo. Đã thành lệ, khi mùa gió chướng Đông Bắc tràn về vào mỗi dịp cuối năm, cũng là lúc đảo xanh bị bủa vây bởi đủ thứ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Rác từ đại dương theo sóng dạt vào. Rác tràn từ khu vực xử lý rác thải duy nhất trên đảo tại Bãi Nhát, chảy thẳng ra biển…
Tôi hỏi Phương, cuối năm rồi, tình hình có được cải thiện không em?
Câu trả lời: Không chị... Thương nhất là những hệ sinh thái quan trọng trên đảo không đủ sức chống đỡ. Tất cả, bãi biển, bãi rùa đẻ, rừng ngập mặn, rạn san hô… Em e là cứ đà này, khu vực Cảng Bến Đầm, cảng chính của đảo, chẳng mấy mà trở thành điểm nóng của ô nhiễm môi trường.
Nghe như có tiếng thở dài!
Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào được công bố về mức độ ô nhiễm rác tại Côn Đảo. Tuy nhiên, từ năm 2019, Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQG) đã bắt đầu thực hiện việc thu gom rác nhựa ở các bãi biển, hòn đảo nhỏ thuộc sự quản lý của Vườn. Cũng chính trong năm này, đã có 871,5 m3 rác thải các loại được Vườn thu gom và xử lý. Từ năm 2020, VQG Côn Đảo còn tổ chức hoạt động khảo sát rác thải đại dương tại các khu vực bãi biển trong khu bảo tồn biển (KBTB) với sự hỗ trợ của các tổ chức, trong đó có WWF-Việt Nam. Cho đến tháng 5 vừa rồi, rác thải đại dương đã được VQG nhận diện chủ yếu là rác thải nhựa, được thải bỏ do các hoạt động khai thác thủy sản trên biển và từ các nơi khác trôi dạt đến… Việc thu gom vẫn chưa phải là giải pháp hiệu quả cho tình trạng của Côn Đảo.
Trong chuyến ra Côn Đảo hồi năm trước, tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến sự quá tải của khu vực bãi rác lộ thiên duy nhất trên đảo. Bạn đồng hành lần đó, Nguyễn Hải Yến, Trưởng ban Công tác mặt trận cơ sở khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo, chia sẻ, vào mùa cao điểm du lịch, ô nhiễm rác thải, đặc biệt là từ túi ni-lông rất nghiêm trọng. Trong các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền và người dân, tâm nguyện sớm có giải pháp “giải cứu” Côn Đảo khỏi rác thải thường được nhắc đến. Tuy vậy, trong cuộc điện thoại gần nhất, Yến nói với tôi, tình hình vẫn chưa có tiến triển gì. Phương án đóng ép rác thải chuyển về đất liền xử lý, vừa bàn thảo đã nhanh chóng bị loại bỏ bởi chi phí quá lớn. Việc xây dựng nhà máy tại chỗ khả thi nhưng ngặt nỗi, chưa có nhà đầu tư nào mặn mà xuất vốn. Thiếu cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư đang là rào cản khiến cho việc xã hội hóa xử lý rác thải gặp khó khăn…
Hơn 70 nghìn tấn rác thải tồn đọng vẫn còn đó, chưa kể mỗi ngày, trung bình có 15 - 20 tấn rác thải lại được kéo về Bãi Nhát, bởi chẳng còn điểm đến nào khác! Tàu bè vẫn xả rác thải ra đại dương. Và chúng cũng theo sóng dạt vào bờ, như một sự không thể khác!
Điểm khác biệt, ở đây, may sao vẫn còn có được. Đó chính là sự nhận thức và vận động của chính những cư dân của Côn Đảo. Nói như Đan Duy Phương, “Trash2Art-keeping Côn Đảo Clean” (Trash2Art) được thành lập và nhanh chóng mở rộng thành viên, duy trì lịch sinh hoạt “nhặt rác” đều đặn mỗi chủ nhật hằng tuần là bởi người dân nơi này yêu đảo. Độ tuổi trung bình của các thành viên quanh mức 30 tuổi. Họ, đến với Côn Đảo theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung lại ở hai chữ “phải lòng”. Phương là người TP Hồ Chí Minh, nhưng đã sống ở Côn Đảo được ba năm. Mở Côn Đảo lữ quán không đơn thuần chỉ là bài toán kinh doanh, Phương còn muốn tạo nên một điểm đến để những thành viên có thể gặp gỡ và cùng nhau lan tỏa ý thức sống Xanh trong cộng đồng. Tham gia “Trash2Art” còn có những bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia xa xôi. Côn Đảo giữ chân họ bởi vẻ đẹp tuyệt vời của Mẹ thiên nhiên, và vì thế, họ muốn có một phần trách nhiệm trong việc bảo tồn sức hấp dẫn riêng có ấy. Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ để có thể tạo nên một sự thay đổi sâu sắc trong việc “ứng xử” với rác thải từ cả phía chính quyền địa phương và người dân sở tại. Vậy những con người vẫn đang lặng lẽ bảo vệ môi trường ấy nghĩ đâu sẽ là giải pháp?
Tôi đã nhận được câu trả lời từ Phương và các thành viên “Trash2Art” vào ngày chủ nhật, sau cả một buổi sáng “thu gom rác”. Giải pháp căn cốt nhất vẫn phải là sự vào cuộc của chính quyền địa phương với những động thái mạnh mẽ trong việc quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Côn Đảo trở thành điểm đến không rác thải ni-lông vào năm 2030. Ngoài ra, cũng cần sự chung sức từ cộng đồng, từ các đoàn thể, tổ chức và sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ có kinh nghiệm trong xử lý môi trường, đó là những gì mà các thành viên trẻ của “Trash2Art” như Võ Tấn Lộc, Bùi Quang Hợp, Mai Trọng Thảo... muốn nhắn nhủ.
Mẹ thiên nhiên
Những bức ảnh chụp từ trên cao cho người ta một hình dung, Côn Đảo giống như chú gấu vươn mình ra Biển Đông. Chỉ có điều, “chú gấu” với những giá trị to lớn về đa dạng sinh học ấy đang bị rác thải đe dọa.
Để giảm lượng rác nhựa đại dương từ các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản cũng như giảm ảnh hưởng của rác nhựa đến hệ sinh thái biển, đặc biệt là các khu bảo tồn biển quan trọng như ở Côn Đảo, WWF-Việt Nam phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường, triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” trong giai đoạn từ 2019 - 2023. Nói về sự hợp tác này, Yurgen Kallee, người Áo, thành viên của “Trash2Art” cho rằng, đây là lựa chọn tốt để tạo nên sự thay đổi căn bản trong nâng cao kiến thức cộng đồng, cũng như nâng cao năng lực cán bộ trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan quản lý chất thải, rác thải nhựa cả từ nguồn trên đảo và từ đại dương…
Điểm nhấn của dự án là triển khai thí điểm “Chợ Côn Đảo giảm túi ni-lông” phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Côn Đảo, đón nhận sự tham gia nhiệt tình của hơn 70 tiểu thương. Vương Trọng Bình, cán bộ của WWF vẫn còn nhớ dư âm từ buổi lễ. Người dân thật sự bị thu hút khi được xem nhiều đoạn phim ngắn cho thấy sự nguy hiểm trực tiếp từ rác thải nhựa. Có nhiều người còn ồ lên khi được nghe những đoạn thu âm “quảng cáo” như đối thoại của người dân về việc làm sao giảm rác thải… Sự sáng tạo trong truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa thú vị với ngay cả những người làm chương trình. Trong năm nay thôi, những phim ngắn về thực trạng rác nhựa đang đe dọa đa dạng sinh học của Côn Đảo, các chú rùa biển như thế nào sẽ được trình chiếu tại các điểm lưu trú, các điểm dừng chân ở bến tàu phà, sân bay, các khu công cộng tại trung tâm huyện Côn Đảo...
Có thể, trong tương lai không xa, Côn Đảo sẽ có những diễn đàn địa phương được lập ra để giúp doanh nghiệp giảm sản phẩm nhựa một lần trong kinh doanh hay những bí quyết để xây dựng kế hoạch hành động, chiến lược giảm bớt sản phẩm nhựa… Sẽ đến ngày, mỗi hướng dẫn viên du lịch, tiểu thương, người dân trên đảo trở thành đại sứ giảm rác nhựa, Bình vui vẻ chia sẻ.
“Nói không với túi ni-lông - Không khó!”, mấu chốt là ở việc người mua hàng có chuyển đổi được nhận thức hay không? Chắc hẳn sẽ cần có thời gian để đề xuất quy định cấm túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần trên đảo được thông qua, nhưng lựa chọn đẩy mạnh truyền thông, tác động đến từng nhóm đối tượng mục tiêu cũng như tạo nên sự kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan là giải pháp dài hơi mang tính khả thi cao.
Nỗi buồn mùa gió chướng sẽ không còn ám ảnh Côn Đảo. Tôi những mong điều ấy sẽ thành hiện thực, trước cả thời điểm năm 2023, khi mà dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” kết thúc. Nói như Vương Trọng Bình, niềm tin ấy có cơ sở, nhất là khi các nhóm nhân tố địa phương ở nơi này rất tâm huyết với việc giữ cho Côn Đảo sự vẹn nguyên mà Mẹ thiên nhiên đã ban tặng. Có thể phần nào nhận rõ điều ấy qua những gì mà các thành viên Trash2Art, không phân biệt quốc tịch đã chia sẻ.
Là một quốc gia có tiềm năng về biển, hãy để Việt Nam được nhắc đến như một nơi chốn của những viên ngọc xanh giữa nghìn trùng sóng vỗ.
Được thành lập từ năm 1993, VQG Côn Đảo có diện tích lên đến 6.000 ha trên cạn, 14.000 ha biển, với nhiều hệ sinh thái và nhiều loài động thực vật quý hiếm. Là khu Ramsar biển được công nhận đầu tiên của Việt Nam vào năm 2014, Khu Bảo tồn biển Côn Đảo được ghi nhận có nhiều bãi rùa biển đẻ nhất Việt Nam, bao gồm các loài rùa biển quý hiếm như rùa xanh và đồi mồi. Năm 2020, VQG Côn Đảo chính thức trở thành thành viên Mạng lưới khu bảo tồn rùa biển quan trọng ở Ấn Độ Dương - Khu vực Đông - Nam Á.