Chủ nhật, 09/07/2023,19:19 (GMT+7)
Còn trẻ mà đã “trên bảo dưới không nghe”
Người dưới 40 tuổi mắc rối loạn cương dương thường liên quan yếu tố tâm lý. Điều trị theo phác đồ và cân bằng cuộc sống là chìa khóa quan trọng để có đời sống tình dục khỏe mạnh
 
Rối loạn cương dương thường xuất hiện ở nam giới trên 40 tuổi nhưng tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa.
Mắc bệnh ở tuổi 25
 
Sau quá trình điều trị rối loạn cương dương tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) thành công, tâm lý của anh T.P.L (25 tuổi, ngụ TP HCM) đã ổn định và cởi mở hơn khi chia sẻ bệnh tình của mình.
 
Anh L. cho biết trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, công việc gặp nhiều áp lực do công ty cắt giảm nhân lực. "Tôi luôn lo lắng nếu không hoàn thành tốt công việc theo kế hoạch thì mình sẽ nằm trong số nhân lực bị cắt giảm. Áp lực kéo dài khiến tôi luôn trong tình trạng căng thẳng. Vì vậy, mỗi lần gần gũi người yêu, "cậu nhỏ" không còn cương cứng như trước" - anh L. tâm sự.
 
Do e ngại, xấu hổ nên anh L. tự tìm hiểu thông tin trên mạng và tìm mua các sản phẩm tăng cường sinh lý mong nhanh chóng lấy lại phong độ. "Người bán quảng cáo cần sử dụng 3-4 liệu trình thì tình trạng rối loạn cương dương mới cải thiện, mỗi liệu trình chi phí từ 1 triệu đến vài triệu đồng. Thời gian đầu, chuyện đó có cải thiện nhưng sau đó thì không còn hiệu quả nữa" - anh L. kể.
 
Còn trẻ mà đã trên bảo dưới không nghe - Ảnh 1.
Bệnh nhân đến khám tại Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM)
 
Lo lắng, anh L. đến Bệnh viện Bình Dân thăm khám và được chẩn đoán rối loạn cương dương do yếu tố tâm lý. Bởi các kết quả xét nghiệm liên quan chức năng sinh lý của anh L. hoàn toàn bình thường. Sau thời gian điều trị thuốc và được tư vấn tâm lý, anh L. đã thoát khỏi tình trạng "trên bảo dưới không nghe".
 
TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết rối loạn cương dương là bệnh lý rối loạn tình dục phổ biến ở nam giới. Do bệnh khó nói nên khi mắc phải, nhiều người e ngại không đi khám mà tự tìm hiểu trên mạng dẫn đến rối loạn thông tin, không điều trị đúng đích. "Nếu được điều trị sớm và hiểu đúng về bệnh sẽ giúp phái mạnh sớm lấy lại phong độ trong chuyện chăn gối" - bác sĩ Dũng khẳng định.
 
Theo ThS-BS Lê Vũ Tân, Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân, trường hợp của anh L. không hiếm. Không chỉ "tiền mất" rất nhiều cho những bài thuốc "lấy lại phong độ đàn ông", "ông uống bà khen", nhiều người còn "tật mang", phải nhập viện điều trị vì dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
 
Nguyên nhân khiến tình trạng rối loạn cương dương ở người trẻ ngày càng tăng đến từ lối sống như áp lực công việc, mâu thuẫn trong mối quan hệ với bạn tình… "Mỗi ngày, Khoa Nam học của Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận khoảng 250-300 bệnh nhân. Trong đó có khoảng 30 trường hợp rối loạn cương dương là người trẻ" - bác sĩ Tân thông tin.
 
Lối sống lành mạnh, "chuyện ấy" mới ổn
ThS-BS Tạ Ngọc Thạch, Khoa Nam học - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM), lý giải rối loạn cương dương ở người trẻ là tình trạng dương vật cương không đủ cứng hay không đủ khả năng duy trì sự cương cứng nhằm đáp ứng hoạt động tình dục. Cũng khẳng định hầu hết nguyên nhân gây rối loạn cương dương ở người trẻ đến từ tâm lý, bác sĩ Thạch phân tích: "Cảm xúc và tâm trạng rất quan trọng trong việc cương cứng dương vật. Vì chúng liên quan tới hệ thần kinh, hormone và hệ tuần hoàn. Hai khía cạnh của sự cương cứng gồm sự cương cứng theo phản xạ do có tác động từ bên ngoài và sự cương cứng do tâm lý xuất phát từ cảm xúc. Cảm xúc và tâm trạng xấu có thể làm giảm khả năng đạt được hay duy trì sự cương cứng. Trong một số trường hợp, tâm lý có thể là nguyên nhân duy nhất gây rối loạn cương dương".
 
Theo bác sĩ Thạch, người trẻ rối loạn cương dương sẽ có một số biểu hiện như dương vật bị mềm, khó đáp ứng nhu cầu sinh lý bình thường của bạn tình; dương vật cương cứng thất thường, không theo nhu cầu… "Dù tình trạng bệnh không ảnh hưởng tính mạng nhưng lâu dài sẽ làm người bệnh mặc cảm, tự ti, đau khổ, gặp nhiều vấn đề trong mối quan hệ với bạn tình…" - bác sĩ Thạch nhấn mạnh.
 
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Lê Vũ Tân nhấn mạnh phải giảm áp lực trong công việc, cuộc sống; hạn chế bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt là chất kích thích. "Có lối sống lành mạnh, tập thể dục thể thao, tìm cách cân bằng cuộc sống là những yếu tố quan trọng để phòng ngừa bệnh. Nếu chẳng may mắc bệnh, cần đến bệnh viện thăm khám, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ" - bác sĩ Tân khuyến cáo. 
 
Điều trị tùy theo độ tuổi
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết rối loạn cương dương được chia làm 2 nhóm: người sau 40 tuổi và người dưới 40 tuổi.
 
Đối với nam giới sau 40 tuổi, chứng rối loạn cương dương thường liên quan một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, tim mạch... Bên cạnh đó, hormone sinh dục giảm là yếu tố thúc đẩy rối loạn cương dương ở người lớn tuổi; vì vậy khi điều trị, cần song song điều trị các bệnh nền.
 
"Đối với người trẻ, phần lớn do rối loạn tâm lý, lối sống, cụ thể là căng thẳng, sử dụng nhiều bia, rượu, chất kích thích... Điều trị rối loạn cương dương cho người trẻ sẽ có phác đồ cụ thể, quan trọng nhất là làm sao để người bệnh ổn định tâm lý thì tình trạng "trên bảo dưới không nghe" mới không tái phát" - bác sĩ Dũng nói.
 
Bài và ảnh: Hải Yến (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu