Công bố những bức ảnh cận cảnh mặt trời nhất từ trước đến nay
Ngày 16-7, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tổ chức họp báo công bố những bức ảnh cận cảnh mặt trời đầu tiên do tàu quỹ đạo mặt trời Solar Orbiter, một dự án chung của hai cơ quan này chụp được.
Một cái nhìn toàn cảnh mặt trời do tàu Solar Orbiter chụp vào ngày 30-5.
Tàu quỹ đạo mặt trời Solar Orbiter của NASA và ESA ra mắt vào ngày 9-2 nhằm mang đến cho con người một cái nhìn hoàn toàn mới về mặt trời mà chúng ta vẫn nhìn thấy mỗi ngày. Tàu vũ trụ này được trang bị kính viễn vọng và sẽ thực hiện nhiệm vụ gần mặt trời hơn bất kỳ tàu thăm dò nào mang theo các dụng cụ như vậy trước đây.
Chuyến hành trình của Solar Orbiter đã tiếp cận lần gần mặt trời đầu tiên vào giữa tháng 6 và đang bay trong vòng quỹ đạo cách mặt trời 77 triệu km để chụp những hình ảnh này.
Nhà khoa học nữ Holly Gilbert, của NASA cho biết: “Những bức ảnh này của mặt trời là hình ảnh gần gũi nhất mà chúng tôi từng thu được. Những hình ảnh tuyệt vời này sẽ giúp các nhà khoa học kết nối các tầng khí quyển của mặt trời. Điều này rất quan trọng để hiểu cách mặt trời điều khiển thời tiết không gian gần Trái đất và trên khắp hệ mặt trời”.
Trong cuộc họp báo, ông Daniel Müller, nhà khoa học dự án Solar Orbiter của ESA cũng cho biết: “Chúng tôi không mong đợi kết quả tuyệt vời như vậy đến sớm thế này. Những hình ảnh này chỉ là khởi đầu trong hành trình dài của Solar Orbiter”.
Sau khi ra mắt, Solar Orbiter đã phải trải qua một trục trặc nhỏ khi ESA tạm dừng một thời gian ngắn quá trình vận hành của tàu vũ trụ trong đại dịch Covid-19. Nhưng thời gian nghỉ không kéo dài lâu trước khi tàu vũ trụ bắt đầu hoạt động để chuẩn bị cho vòng quay đầu tiên quanh mặt trời.
Các nhà khoa học đã sử dụng sáu dụng cụ hình ảnh của tàu quỹ đạo để có cái nhìn cận cảnh về mặt trời. Họ phát hiện ra những ngọn lửa mặt trời nhỏ mà họ đặt tên là “ngọn lửa trại” rải rác trên bề mặt của mặt trời.
Các nhà khoa học của Solar Orbiter chưa chắc chắn liệu những “ngọn lửa trại” này có thực sự là phiên bản thu nhỏ của các ngọn lửa mặt trời đã nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, hay chúng hoạt động theo cách khác. "Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận khoa học nào", ông Müller nói.
Nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu sâu hơn về những đám lửa trại sẽ giúp họ giải quyết một trong những bí ẩn quan trọng của mặt trời là tại sao bầu khí quyển bên ngoài của nó, được gọi là corona, lại nóng hơn bề mặt nhìn thấy được của nó.
Trong khi bề mặt có thể nhìn thấy của mặt trời là khoảng 55.000 độ C, thì vòng “vương miện” corona lên tới hàng triệu độ dưới bất kỳ hệ thống đo lường nào. Đó là một thách đố lâu đời đối với các nhà khoa học, vì về mặt logic, càng cách xa lò nung nhiệt hạch bên trong mặt trời thì nhiệt độ phải càng lạnh hơn. Và đó là một trong những câu đố mà các nhiệm vụ mới như tàu thăm dò vũ trụ Solar Orbiter và tàu Parker Solar của NASA được thiết kế để giải quyết.
Tàu Parker Solar sẽ bay gần mặt trời hơn nhiều so với Solar Orbiter, nhưng không mang theo thiết bị kính thiên văn, chỉ có các thiết bị đo môi trường tức thời, còn tàu Solar Orbiter mang cả hai loại dụng cụ.
Tàu vũ trụ Solar Orbiter có tổng trị giá 1,5 tỷ USD đang tiếp tục hành trình về phía mặt trời. Trong suốt hành trình, các thiết bị của tàu vũ trụ sẽ hoạt động liên tục. Vào năm 2025, tàu vũ trụ sẽ rời khỏi mặt phẳng chính của hệ mặt trời và bắt đầu đi theo quỹ đạo nghiêng, cho phép nó chụp ảnh các cực của mặt trời một cách chi tiết chưa từng thấy.
Và các nhà khoa học của Solar Orbiter tự tin rằng những hình ảnh đầu tiên này chỉ là nhiệm vụ khởi đầu. Những bức ảnh cận cảnh mặt trời này “thực sự như thể tàu vũ trụ đã gửi cho chúng tôi một tấm bưu thiếp từ hành trình của nó”, ông Müller nói.