Thứ năm, 22/08/2019,12:46 (GMT+7)
Cửa hàng tiện ích - Điểm nhấn văn minh thương mại
Trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là các khu vực đông dân cư, hệ thống cửa hàng tiện ích đang phát triển khá nhanh. Đây là những cửa hàng có quy mô nhỏ nhưng cung cấp đa dạng hàng hóa đến người tiêu dùng. Đặc biệt, thực phẩm tại cửa hàng tiện ích đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Hàng hóa đa dạng, bảo đảm chất lượng

Nếu như trước đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có hệ thống siêu thị Co.op thì nay, hàng loạt cửa hàng tiện ích như SanHàFoodstore, Bách Hóa Xanh, Vinmart+ được mở ra, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đây là tín hiệu khá tích cực, cho thấy doanh nghiệp quan tâm đến thị trường và xây dựng hệ thống bán lẻ để phục vụ khách hàng. Tại cửa hàng tiện ích, hàng hóa rất đa dạng gồm các loại thực phẩm từ thịt heo, bò, gà, cá, trứng, rau, củ, quả,… cho đến hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm. 

Rau quả bán tại Vinmart+ được người dân tin dùng

Rau quả bán tại Vinmart+ được người dân tin dùng

Chị Nguyễn Thị Bích Chi, ngụ ấp Tấn Long, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, cho biết, trước đây, những ngày nghỉ cuối tuần, chị thường đến siêu thị Co.op Bến Lức hoặc chợ truyền thống mua thịt heo, bò, cá,… về sơ chế để dành chế biến thức ăn trong tuần. Tuy nhiên, những ngày gần đây, SanHàFoodstore mở điểm kinh doanh gần nhà, chị không còn tích trữ thực phẩm. Cứ mỗi buổi chiều tan ca, chị ghé vào cửa hàng mua vài loại thực phẩm về chế biến thức ăn cho bữa cơm chiều. Chị Bích Chi nói: “Cửa hàng tiện ích rất tiện lợi cho người lao động hay công nhân. Đa số thực phẩm tại SanHàFoodstore được sơ chế sẵn, có nhiều loại ướp gia vị như cánh gà, thịt gà, khổ qua dồn thịt,… nên khi mua về chế biến rất nhanh, không tốn nhiều thời gian nhưng bữa cơm vẫn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng”.

Những ngày gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Tuyền, ngụ phường 1, TP.Tân An, hay ghé cửa hàng Vinmart+ trên đường Nguyễn Đình Chiểu mua thịt heo, bò hay các loại rau ăn lá. Bà Kim Tuyền chia sẻ: “Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nên tôi chọn mua thịt tại Vinmart+. Mua sắm ở đây, tôi cảm thấy an tâm hơn so với chợ bên ngoài. Thịt heo được bán có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quầy thịt cũng sạch sẽ, thịt được phân miếng ra từng loại và đựng trong khay có màng bọc thực phẩm, in sẵn giá tiền và được bảo quản trong tủ lạnh...”.

Theo ý kiến nhiều người tiêu dùng, các cửa hàng tiện ích đều có vị trí thuận lợi như đông người qua lại, hàng hóa được bố trí không khác gì ở siêu thị, hầu hết đều có chỗ để xe gắn máy, có bảo vệ trông coi. Bên cạnh đó, nhân viên bán hàng khá vui vẻ, hòa đồng và sẵn sàng tư vấn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể chọn mua ít, nhiều tùy nhu cầu, nhân viên vẫn vui vẻ bán hàng mà không hề phàn nàn.

Phó Chủ tịch UBND phường 3, TP.Tân An - Ngô Thanh Hùng cho biết, dân cư trên địa bàn phường 3 hiện khá đông, nắm bắt cơ hội này, nhiều cửa hàng tiện ích được mở ra phục vụ người tiêu dùng. Trong quá trình xây dựng phường văn minh đô thị, các cửa hàng tiện ích mở ra là điểm nhấn của văn minh thương mại, giúp phường giảm tình trạng chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Với sự phát triển của các loại hình thương mại mới, người tiêu dùng từng bước thay đổi thói quen mua sắm theo hướng văn minh, không tiêu thụ, sử dụng hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng mua sắm tại SanHàFoodstore

Cuộc cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng

Theo thống kê, ngoài 3 siêu thị Co.op, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cửa hàng SanHàFoodstore, 5 cửa hàng Vinmart+ và hơn 20 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Nhận định về sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cửa hàng tiện ích, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho rằng, loại hình kinh doanh này sẽ phát triển mạnh mẽ và tăng số lượng cửa hàng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ưu điểm của loại hình kinh doanh này là người mua có thể chọn lựa nhiều mặt hàng tại đây. 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà (đơn vị đầu tư SanHàFoodstore) - Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ, thời gian tới, tại Long An cũng như các tỉnh, thành khác, doanh nghiệp có cuộc cạnh tranh để tìm thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng để thu hút lượng khách hàng. Công ty TNHH San Hà có thế mạnh trong chăn nuôi, giết mổ và phân phối các mặt hàng như thịt gà, thịt vịt, trứng gia cầm. Bên cạnh đó, đối tác của San Hà là Vissan và nhiều doanh nghiệp khác nên giá cả mua vào các mặt hàng rất tốt. Thế nên, doanh nghiệp xây dựng giá bán ra cho người tiêu dùng theo phương thức cạnh tranh. Các mặt hàng chủ lực và bán chạy nhất hiện nay tại SanHàFoodstore là thịt gà, vịt, heo. Hiện SanHàFoodstore tại xã Thanh Phú bình quân mỗi ngày phục vụ khoảng 1.000 lượt khách hàng, bán ra hơn 1,2 tấn thịt heo, 1 tấn thịt gà, vịt. Ngoài ra, các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây đặc sản từng vùng, miền cũng có doanh số bán ra khá tốt. Tiêu chí phục vụ khách hàng của SanHàFoodstore là tất cả nông sản đều đạt chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, 3 cửa hàng SanHàFoodstore tại Long An đang kinh doanh hiệu quả, công ty tiếp tục xây dựng điểm bán tại huyện Tân Trụ, Châu Thành cũng như các địa phương khác trong tỉnh.

Người tiêu dùng mua sắm tại SanHàFoodstore

Người tiêu dùng mua sắm tại SanHàFoodstore

Ngoài các cửa hàng Bách Hóa Xanh có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh, đầu tháng 8/2019, Vinmart+ đồng loạt mở 5 cửa hàng trên địa bàn TP.Tân An. Theo nhân viên tại một cửa hàng Vinmart+, thịt heo, thịt bò được cung cấp từ Vissan, các sản phẩm rau ăn lá, củ, quả được sản xuất theo quy trình khép kín của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (một thành viên của Tập đoàn Vingroup). Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như trái cây, thực phẩm đóng gói, chế biến đều bảo đảm nguồn gốc, chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt từ “công ty mẹ”. Với chiến lược công bố rõ nguồn gốc, xuất xứ và niêm yết giá đối với tất cả mặt hàng bán ra, Vinmart+ chinh phục được khách hàng an tâm mua sắm. Bình quân, mỗi cửa hàng của Vinmart+ trên địa bàn TP.Tân An hàng ngày có từ 300-500 khách đến mua sắm. Trong đó, các nông sản như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả được chọn lựa nhiều nhất. 

Ông Lê Minh Đức nhận định, cửa hàng tiện ích rất nhanh nhạy, luôn biết cách thay đổi để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Do mỗi doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh riêng nên nguồn hàng mua vào có giá tốt (nhờ doanh số tốt), giá bán rất cạnh tranh. Phần lớn hàng hóa trong chuỗi cửa hàng tiện ích là hàng Việt, đây là hoạt động thiết thực thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các cửa hàng tiện ích ra đời còn góp phần tích cực giảm các điểm bán hàng tự phát trên địa bàn tỉnh.

Người dân mua sắm tại Bách Hóa Xanh

Người dân mua sắm tại Bách Hóa Xanh

Ông Lê Minh Đức cho biết thêm, nhiều cửa hàng tiện ích mở ra như hiện nay làm cho thị trường hàng hóa đa đạng, phong phú và giá cả sẽ cạnh tranh theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện bán lẻ thông qua các cửa hàng tiện ích như hiện nay cần quan tâm bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mập mờ nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng an tâm mua sắm. 

Ngành công thương sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các phương thức thương mại hiện đại, phù hợp. Đồng thời, Sở Công Thương chủ động kết nối đưa hàng hóa của địa phương, nhất là hàng nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vào bán trong hệ thống cửa hàng tiện tích của các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tham gia bình ổn thị trường./.

Mai Hương - (baolongan.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu