Thứ tư, 15/04/2020,07:14 (GMT+7)
Củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian phòng chống dịch
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, dạy và học trực tuyến, giao bài, nhận bài qua mạng, e-learning... là giải pháp tình huống của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Qua thời gian thực hiện, dù còn hạn chế, khó khăn nhất định nhưng phương pháp này cơ bản đảm bảo kiến thức cho học sinh.
Học sinh tiếp cận học trực tuyến kiến thức trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Học sinh tiếp cận học trực tuyến kiến thức trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
 
Giải pháp tình thế
 
Theo một số giáo viên, phương pháp học trực tuyến khả năng tập hợp học sinh là rất khó. Mặt khác, một số giáo viên có năng lực chuyên môn hạn chế, giáo viên lớn tuổi nên việc tiếp cận công nghệ thông tin càng khó hơn. Thực tế, nhiều học sinh vùng nông thôn học trực tuyến chưa thật hiệu quả.
 
Chia sẻ về phương pháp học tập trong mùa dịch Covid-19, em N.Q.D - học sinh lớp 112 Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Giồng Trôm) cho hay, học trên máy tính nhìn con số, cái chữ thì không sinh động như tiết học bình thường. “Học trực tuyến em khó hiểu, khó tiếp thu hơn, chưa kể mạng bị out, lúc có tiếng không có hình, lúc có hình không có tiếng, đủ các kiểu”, N.Q.D bày tỏ.
 
Chị T.L (ngụ Phường 8, TP. Bến Tre) có con trai đang học lớp 3 cho biết, từ khi các con nghỉ học để phòng dịch Covid-19, cả hai vợ chồng đều đi làm nên chị đành gửi con về quê cho ông bà ngoại chăm sóc phụ, được một thời gian thì cũng đón cháu lên lại TP. Bến Tre để bắt đầu cho ôn tập trực tuyến theo hướng dẫn của các thầy cô. “Cách triển khai học trực tuyến cũng là một giải pháp để ôn tập kiến thức cho học sinh nhưng không phải trẻ nào cũng có thể học được. Có phụ huynh biết về công nghệ thông tin một chút thì đỡ chứ gặp ông bà lớn tuổi chăm sóc cháu thì không biết làm sao”, chị T.L nói.
 
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, việc trẻ học trực tuyến cần nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn từ phía phụ huynh để tránh việc trẻ mất tập trung, hoặc sa đà vào các trang web giải trí khác. Tuy nhiên, trình độ, đặc thù công việc của phụ huynh nhiều lúc không thể ở nhà theo sát con. Các gia đình ở nông thôn hoặc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng rất khó có điều kiện trang bị máy vi tính để cho con học.
 
Một phụ huynh trên địa bàn TP. Bến Tre bức xúc khi nhà trường cho bài tập qua nhóm Zalo và yêu cầu phụ huynh in ra để trẻ làm bài tập. “Việc làm này rất bất tiện vì thực hiện phòng dịch Covid-19 nên nhiều cửa hàng in ấn cũng đóng cửa, nhiều người không tìm được nơi in tài liệu”, phụ huynh này phân tích.
 
Toàn tỉnh có từ 60 - 65% học sinh có khả năng học trực tuyến được, tập trung ở các thị trấn và TP. Bến Tre; vùng sâu thì khó triển khai. Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến, hiện nay, học sinh tiểu học học online chưa đạt hiệu quả. Bởi quá trình giảng dạy tương tác để hình thành nhân cách và các yếu tố phát triển toàn diện của học sinh. “Dạy học online là phương pháp giáo dục hiện đại so với điều kiện nông thôn của tỉnh. Cụ thể, học sinh vùng nông thôn tiếp cận với điều kiện internet rất hạn chế. Trên thực tế, phương pháp học tập này chỉ giải quyết tình thế”, ông Võ Văn Luyến cho hay.
 
Đảm bảo kiến thức
 
Thực hiện theo chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã triển khai từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS, THPT và kể cả giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Bên cạnh những khó khăn, dạy - học trực tuyến có những thuận lợi cơ bản. Phương pháp học trực tuyến là không gian và điều kiện có thể học tập tại nhà, không ảnh hưởng thời gian. Đặc biệt, những học sinh có ý thức học tập sẽ phát huy được hiệu quả, bổ trợ kiến thức rất lớn.
 
Trong đó, bậc học mầm non, hướng dẫn cho cha mẹ học sinh vui chơi với con trẻ, kể chuyện và giúp hình thành nhân cách trẻ. Đối với bậc tiểu học, hình thức học tập qua kênh truyền hình vào buổi tối để có phụ huynh phụ kèm thêm, vì lứa tuổi các em chưa tự giác trong việc học. Bậc THCS, THPT cho làm bài tập và dạy các nội dung theo hướng dẫn giảm tải của Bộ GD&ĐT.
 
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho biết, để khắc phục những hạn chế trong phương pháp này, giáo viên phải nắm bắt từng đối tượng và xem nội dung chương trình giảm tải để kết hợp các nội dung, cho bài tập và hướng dẫn học, đánh giá thực tế trong quá trình tự học của học sinh theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, lãnh đạo các trường phải đẩy mạnh tuyên truyền đến cha mẹ học sinh, để họ thấy học trực tuyến là yêu cầu thiết yếu hiện nay. Qua đó, phụ huynh phối hợp chung tay góp sức với nhà trường, thầy cô giáo nâng cao năng lực học tập của các em trong mùa dịch theo yêu cầu chung của ngành.
 
“Đối với cấp THCS, THPT, giáo viên nghiên cứu để giảm tải chương trình theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và có định hướng để các em thi tuyển sinh lớp 10, THPT quốc gia. Lãnh đạo trường phải chỉ đạo quyết liệt, hình thức, nội dung, tổ chức, nắm bắt phối hợp cha mẹ học sinh bằng phương tiện công nghệ thông tin, trực tiếp chỉ đạo để nâng cao năng lực. Trên cơ bản nhà trường phải chủ động”, ông Võ Văn Luyến lưu ý.
 
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến, hiện nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường chỉ đạo đối với giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm để nắm sát đối tượng học sinh, điều kiện, hoàn cảnh thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu học trực tuyến. Đối với học sinh có điều kiện khó khăn về phương tiện hỗ trợ học online có thể cho bài tập về nhà để kiểm tra thực tế kiến thức của từng em. Trên cơ sở đó đánh giá để hỗ trợ, hướng dẫn các em đảm bảo theo kịp chương trình hoặc không khó khăn khi trở lại trường tiếp cận chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT.
 
Học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh buộc phải nghỉ nhiều ngày để phòng chống dịch Covid-19, nếu buông việc học thì sẽ rất khó khăn. Giai đoạn này, cha mẹ học sinh tham gia thực hiện giãn cách xã hội, gia đình nào quan tâm, lãnh đạo trường phối hợp thể hiện trách nhiệm nhà giáo tốt thì việc học online sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu kiến thức theo định hướng của Bộ GD&ĐT.
Bài, ảnh: Phan Hân - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu