Thứ hai, 09/11/2020,11:24 (GMT+7)
Đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp
Thị trấn Cây Dương là trung tâm của huyện Phụng Hiệp, không chỉ có nhiều lợi thế để phát triển thương mại - dịch vụ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương còn quan tâm phát triển thế mạnh là sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng và hiện đại.
Diện tích cây ăn trái ở thị trấn Cây Dương đã tăng 20ha so với cùng kỳ và sản lượng đạt 7.600 tấn.
 
Địa phương triển khai và thực hiện hiệu quả nghị quyết của huyện về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Qua các năm triển khai, hiện nay diện tích vườn cây ăn trái của thị trấn đã phát triển lên tới 820ha, tăng 20ha so với cùng kỳ. Công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia chuyển đổi sản xuất, cải tạo vườn tạp đã mang lại hiệu quả đáng kể. Nổi bật là các mô hình trồng xoài, cam sành, bưởi da xanh mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
 
Ông Phạm Văn Mão, ở ấp Thống Nhất, là một trong nhiều hộ tiên phong trồng xoài Đài Loan ở ấp từ hơn 10 năm trước. Sau quá trình thử nghiệm và dần thay diện tích đất mía kém hiệu quả, ông có hơn 500 gốc xoài trên 10 công đất, mỗi năm đều đặn cho trái 2 đợt, mỗi đợt từ 15-20 tấn, thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. Theo ông Mão, dù hiện nay giá xoài có lúc xuống thấp, không còn như thời “hoàng kim” nhưng người dân có kinh nghiệm chủ yếu đầu tư mạnh cho vụ tết để bán được giá hơn. Còn bình thường giá từ 10.000-12.000 đồng/kg là người dân có lời. Dù ảnh hưởng thời tiết và triều cường, vườn xoài nhà ông cũng bị ngập, nhưng nhờ chủ động lựa chọn thời điểm xử lý ra hoa, mà giờ vườn cây đang sai trái không bị thiệt hại nhiều. Thu nhập ổn định từ xoài giúp phát triển kinh tế gia đình, ông Mão mua máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ. Đến nay, ông đã sở hữu 5 chiếc máy, hoạt động ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
 
Ngoài trồng trọt, tại thị trấn Cây Dương cũng phát triển nhiều mô hình nuôi thủy đặc sản như lươn, cá chạch lấu, cá thát lát… Người dân chủ động tham quan, học hỏi, rút kinh nghiệm để từ đó lựa chọn được đối tượng phù hợp nhất với điều kiện của mình. Như hộ ông Lê Hùng Cường, ở ấp Thống Nhất, đã chọn và gắn bó với cá thát lát từ nhiều năm qua. Bởi theo ông, đây là loại cá dễ nuôi và thích hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đầu ra ổn định khi nhu cầu mua cá không chỉ có ở thương lái trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Với 2 ao nuôi có diện tích gần 1ha, mỗi đợt cho thu hoạch khoảng 70 tấn cá thương phẩm. Riêng năm nay đã sắp tới lứa bán nhưng ông chưa vội, bởi còn chờ giá cả khởi sắc vào dịp cuối năm.   
 
Ông Nguyễn Văn Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cây Dương, cho biết: Địa phương khuyến khích nhân rộng các mô hình làm ăn kinh tế, nhất là những mô hình đã thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư; tổ kỹ thuật phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, các ứng dụng tiến bộ khoa học để người dân chăm sóc cây trồng và vật nuôi đạt cả về số lượng và chất lượng.
 
Ngoài ra, đối với vùng trồng lúa thuộc nơi đất thấp, trũng mà năng suất vụ 3 thường không cao nên địa phương giữ vững 2 vụ lúa 1 vụ cá với diện tích khoảng 280ha. Thị trấn Cây Dương đã có 4 tổ hợp tác lúa - cá ở ấp Mỹ Lợi và Mỹ Quới B, 5 tổ hợp tác vườn ở các ấp Thống Nhất, Mỹ Hòa, Hưng Phú được đánh giá là sản xuất có hiệu quả. Hiện nay, địa phương chủ động rà soát tình hình, thống kê đầy đủ diện tích đất sản xuất bị ngập, vận động người dân gia cố bờ bao để bảo vệ vườn cây ăn trái. Khi nước rút sẽ nhanh chóng vệ sinh môi trường, dọn dẹp vườn và tích cực chăm sóc để có sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao cuối năm.
 
Cây ăn trái chiếm diện tích lớn nhất trong tổng số đất nông nghiệp của thị trấn Cây Dương với khoảng 820ha, chủ yếu là các loại cam, bưởi, quýt, xoài, đu đủ… Diện tích còn lại là lúa 560ha, mía 30ha, rau màu 560ha. Thị trấn còn có đàn gia cầm hơn 16.000 con và diện tích nuôi thủy sản hơn 220ha…
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu