Vùng Hà Tiên - Kiên Lương
Dân số vùng Hà Tiên - Kiên Lương khoảng 175.000 người. Trong đó, dân số thành thị 79.186 người chiếm 45%, nông thôn 96.783 người chiếm 55%, dân tộc chủ yếu là người Kinh (84,07%), Khmer (12,7%) và Hoa (2,11%) sống đoàn kết, chan hòa, yêu thương nhau, tạo nên bản sắc văn hóa đặc thù, phong phú và đa dạng.
Hà Tiên - Kiên Lương có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Kiên Giang. Ở đây có địa hình khá đa dạng, bao gồm cả đồi núi, đồng bằng, biển đảo,.... với khoảng 70 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên) và quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương) phân bố trên một vùng biển rộng lớn, vừa có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng, vừa tạo lợi thế cho tổ chức đánh bắt - nuôi trồng hải sản, phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, cảng biển. Khu vực này có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển của vùng.
Vùng này có nhiều núi là quần thể núi đá vôi tập trung ở Hà Tiên và Kiên Lương trải dài theo bờ biển và các quần đảo. Với quần thể hang động, cảnh quan thơ mộng thuận lợi khai thác phát triển du lịch, có nguồn khoáng sản lớn để khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp xi-măng, khai thác đá xây dựng, vật liệu san lấp xây dựng cơ sở hạ tầng.
Vùng Hà Tiên - Kiên Lương có 51km đường bờ biển thuộc vùng biển vịnh Thái Lan, có hệ sinh thái biển và những tiềm năng kinh tế đặc thù, kết hợp những khu danh lam thắng cảnh đẹp, tạo điều kiện phát triển nhiều loại hình du lịch. Điển hình là đầm Đông Hồ (Hà Tiên) với diện tích tự nhiên là 1.384ha, diện tích mặt nước hồ 936ha, diện tích rừng ngập mặn hơn 200ha, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản, đất thổ cư và vườn tạp nằm tiếp giáp biên giới Việt Nam và Campuchia. Điểm đặc biệt của đầm Đông Hồ là ăn thông với cửa biển Hà Tiên nên ảnh hưởng chế độ nhật triều của vịnh Thái Lan, vì thế đầm Đông Hồ có nguồn sinh vật đa dạng.
Hà Tiên - Kiên Lương còn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng từ xa xưa như: Mũi Nai, Thạch Động, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, di tích lịch sử văn hóa núi Bình San, chùa Hang, hòn Phụ Tử, bãi Dương, núi MoSo, hòn Trẹm, quần đảo Hải Tặc, đảo Bà Lụa… Hà Tiên có truyền thống lịch sử văn hóa, văn học - nghệ thuật, nơi có Tao đàn Chiêu Anh Các, tao đàn văn thơ lớn thứ hai của cả nước từ thế kỷ thứ XVIII; nơi đây có nhiều câu chuyện huyền thoại về Chùa Phù Dung, về chàng Thạch Sanh cứu công chúa trong hang Thạch Động, tình cha con của Hòn Phụ Tử, Khu căn cứ kháng chiến ở Mo So...
Những thắng cảnh như núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu du lịch Núi Đèn, Đá Dựng, Mũi Nai đang được đưa vào khai thác du lịch. Hiện nay, Kiên Giang đã có tour du lịch đến nước bạn Cambodia qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Đây là cánh cửa mở ra để vùng Hà Tiên - Kiên Lương nối liền với các nước Đông-Nam Á; đồng thời mở tuyến du lịch xuyên ba nước, từ Phú Quốc và Hà Tiên đến Shianouk Ville (Cambodia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) bằng đường biển và đường bộ.
Vùng Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất
Vùng Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất là một vùng đặc thù của tỉnh Kiên Giang, có biển, đồi núi, hải đảo, kênh rạch, đồng bằng và là trung tâm hành chính - kinh tế của tỉnh. Vùng Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất có dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó lao động trong độ tuổi khoảng là 674.000 người, có ba dân tộc chính là Kinh, Khmer và Hoa.
Vùng Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất có truyền thống cách mạng, đấu tranh anh dũng kiên cường trong chống giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc, người dân cần cù, chịu khó trong chinh phục, cải tạo thiên nhiên và xây dựng cuộc sống. Nơi có Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, nơi có mộ nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt, khóc Nguyễn Trung Trực với hai câu thơ nổi tiếng: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”. Nơi có chùa Tam bảo, một cơ sở của Đảng khi mới hình thành. Nơi có địa danh Chiến thắng Ba Hòn. Nơi có Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng đã đi vào văn học với hình tượng mang tên Chị Sứ. Nơi có Hòn Tre, Hòn Sơn Rái, Hòn Củ Tron… đêm nằm nghe biển hát.
Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, thành phố Rạch Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, là nơi trung chuyển, dừng chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Khu lấn biển từng bước trở thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam Bộ. Hiện tại, thành phố Rạch Giá đã đầu tư nhiều công trình quan trọng, có lợi thế trong phát triển các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; có ba hệ thống siêu thị quy mô lớn bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách. Kiên Hải đang khai thác các tour khám phá biển đảo. Ở Nam Du, An Sơn, Hòn Tre, có thắng cảnh biển - đảo với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Khu du lịch Hòn Đất với những hang động có truyền thống lịch sử cách mạng, công trình văn hóa tại khu mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ) …
Vùng Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất có các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và tiềm năng phục vụ du lịch như: làng nuôi cá lồng bè ở xã đảo Nam Du, Hòn T.re, huyện Kiên Hải; làng nghề nước mắm, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải. Hệ sinh thái rừng, rạn san hô tại vùng biển Nam Du đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Các sản phẩm du lịch tiêu biểu có tiềm năng phục vụ khách du lịch như: du lịch hội nghị; du lịch tín ngưỡng, tâm linh; tham quan các di tích; du lịch ẩm thực; du lịch mua sắm; tham quan các làng nghề; tham quan Khu chợ đêm ở Rạch Giá; tham quan Khu di tích Hòn Đất; Đình Nguyễn Trung Trực; các chùa trong nội ô thành phố Rạch Giá…
Vùng U Minh Thượng
Dân số vùng U Minh Thượng có khoảng 556.000 người, với ba dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer, trong đó người Kinh chiếm đa số. Do đặc thù về đất, nước, khí hậu, sinh thái tự nhiên của vùng đã từ lâu hình thành nên những nét rất đặc trưng trong đời sống văn hóa và sản xuất... Các sản phẩm du lịch tiêu biểu có tiềm năng phục vụ khách du lịch như: du lịch về nguồn, nghiên cứu Khu di tích lịch sử U Minh Thượng; câu cá giải trí; ẩm thực miệt đồng; tham quan, nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm; tham quan, nghiên cứu hệ thực vật; hệ động vật, chim, côn trùng; rừng tái sinh; tham quan trên kênh rạch bằng vỏ lãi, xuồng chèo ba lá; đi bộ trong rừng, cắm trại…
Vùng U Minh Thượng nằm ở phía tây nam của tỉnh có Vườn quốc gia, với vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, bảo vệ môi trường và là vùng có tiềm năng về du lịch. Phần lớn diện tích là rừng tràm nguyên sinh trên than bùn, tiêu biểu cho hệ sinh thái ngập nước, là nơi tập trung nhiều động, thực vật mang tính chất đặc trưng, trong đó có nhiều loài quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu. Vùng này có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt phân bố đều khắp. Vùng U Minh Thượng có truyền thống kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là căn cứ cách mạng của khu Tây Nam Bộ, Xứ Ủy Nam Bộ, T.Ư Cục miền nam, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ.
Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn quốc gia U Minh Thượng - khu căn cứ địa cách mạng, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, đang phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa sông nước vùng bán đảo Cà Mau và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo - Phù Nam (Cạnh Đền, Kè Một). Quần thể di tích lịch sử - cách mạng với Di tích Ranh Hạt, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang; nơi ghi dấu tội ác của kẻ thù tại Rừng Tràm Bang Biện Phú với đặc khu An Phước (tại Vĩnh Thuận); nơi có khu tập kết 200 ngày đêm tại Vàm Chắc Băng; có chiến thắng An Biên ngày 25-4-1954, huyện đầu tiên của miền nam được giải phóng thời chống Pháp; có chiến thắng Xẻo Rô ngày 30-10-1959 diệt Chi khu quân sự đầu tiên ở Tây Nam Bộ.
Biển Bình An (Kiên Lương).
Đường vào rừng U Minh Thượng.
Chiều Rạch Giá nhìn về Kiên Hải.
Chiều trên đảo Hòn Sơn (Kiên Hải).