Thứ bảy, 20/07/2019,09:47 (GMT+7)
Đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt
Theo quy định mới, hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản có mức xử phạt tăng gần 3 lần so quy định trước đây. Tùy theo mức độ, người sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, kiểu khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản này vẫn đang tồn tại.

Biết nguy hiểm nhưng vẫn làm

Hiện nay, đang là mùa vụ sinh sản chính của các loài thủy sản tự nhiên trên dòng Mekong. Theo đó, khi mùa mưa bắt đầu, khí hậu phù hợp, nguồn thức ăn phong phú hơn, nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao bắt đầu tập trung sinh sản. Thời điểm này, tốc độ dòng chảy, lưu lượng nước trên sông Mekong tăng lên, cùng với các loài cá không di cư ở ngay bản địa thì trứng, ấu trùng, cá bột giống, cá giống thuộc các loài cá di cư trôi theo dòng chính từ thượng nguồn Mekong vào các kênh rạch, vùng ruộng ngập lũ ở ĐBSCL để sinh trưởng và phát triển trong suốt mùa lũ. Vào cuối mùa lũ (khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11), chúng di chuyển về sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông để trú ẩn và di cư về thượng lưu khi thành thục.

Vào mùa sinh sản, hoạt động khai thác thủy sản bị cấm tuyệt đối nhằm đảm bảo cho cá mẹ đẻ trứng, cá con sinh trưởng tự nhiên, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều ngư dân vẫn “vô tư” đánh bắt, bán một lượng lớn cá đang mang trứng ra thị trường. Không chỉ sử dụng các dụng cụ thông thường, không ít ngư dân còn xài những ngư cụ đánh bắt theo kiểu “hốt trọn ổ cá lớn, cá bé” như: xuyệt điện, cào điện, đăng (dớn), lưới mắt nhỏ, đặt đáy… Trong đó việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản được xem là hình thức tận diệt khủng khiếp, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái thủy sản mà còn nguy hiểm cho tính mạng của chính người sử dụng. Đã có nhiều trường hợp thiệt mạng khi sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản.

Ngày 16-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019), quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản, mức phạt mới đã tăng gần 3 lần so với quy định trước đây (Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Theo đó, áp dụng phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trường hợp không sử dụng tàu cá). Với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện (để sử dụng khai thác thủy sản), có thể bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Trường hợp sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, áp dụng các mức phạt từ 15-20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt

Sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản

Tăng cường tuyên truyền, xử lý

Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP thì ngoài việc phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung như sau: tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ. Trường hợp sử dụng công cụ kích điện, sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng.

Dù quy định chế tài nghiêm và đã có không ít trường hợp thiệt mạng do sử dụng xung điện đánh bắt cá nhưng thực tế, một bộ phận không nhỏ ngư dân vẫn đang tiến hành các hoạt động đánh bắt cá con, sử dụng xung điện kết hợp với ngư cụ, lưới có kích thước nhỏ so với quy định đánh bắt thủy sản. Nhiều người đánh bắt tất cả những loài thủy sản có thể đánh bắt được, đánh bắt vào ban đêm, vào ngày nghỉ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để “né” bị kiểm tra, xử phạt. Chính vì thế, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm mạnh và cạn kiệt nhanh hơn.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng xung điện khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản An Giang đang tập trung tổ chức tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi thủy sản, phổ biến các quy định pháp luật mới, đặc biệt là những chế tài, xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình vi phạm. Đồng thời, tăng cường quản lý, hạn chế tối đa việc đóng mới tàu cá có công suất dưới 90cv làm nghề lưới kéo (lưới cào khung, cào Thái), đóng mới tàu cá có công suất dưới 30cv làm nghề khác, cấm đóng đáy khai thác cá trên sông. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục Thủy sản An Giang sẽ phối hợp các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hình thức sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt.

CHI CỤC THỦY SẢN AN GIANG - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu