Thứ tư, 28/10/2020,07:33 (GMT+7)
Đào tạo nghệ thuật cần chuẩn quốc tế
Tại tọa đàm "Thảo luận về giải pháp quốc tế trong giáo dục nghệ thuật" vừa được Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại TP HCM, hơn 100 đại biểu đại diện các đơn vị đào tạo nghệ thuật công lập và tư thục đã có dịp trao đổi về thực trạng đào tạo nghệ thuật hiện nay.
TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, thông tin lực lượng làm nghệ thuật được đào tạo trình độ CĐ chỉ chiếm 14,3 %, ĐH chiếm 38,3 %, trên ĐH chiếm 0,8%, trình độ khác chiếm 1,17%. Như vậy, lực lượng được đào tạo bài bản rất thiếu.
 
Tại TP HCM, có sự đóng góp của các cơ sở ngoài công lập khi khoảng 50 công ty, trung tâm đào tạo ca sĩ ngắn hạn 6 tháng đến 1 năm và đây lại là nguồn cung cấp chủ yếu cho thị trường. "Việc đào tạo bài bản là cần thiết và phải đẩy mạnh. Thời gian dài chúng ta chỉ tập trung vào các đơn vị đào tạo công lập, nhưng hiện nay, các đơn vị này cần phối hợp với các đơn vị ngoài công lập để có diện mạo mới, đáp ứng xu thế hiện nay" - bà Nga đề nghị.
 
Theo TS Nga, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM đang tập trung nguồn đầu tư công ngắn hạn vào 2 lĩnh vực điện ảnh và thanh nhạc; năm 2022 sẽ sử dụng giáo trình quốc tế, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên; đến năm 2025, 100% sinh viên ra trường phải thông thạo ngoại ngữ để có thể biểu diễn quốc tế.
Đào tạo nghệ thuật cần chuẩn quốc tế - Ảnh 1.
Đại diện các đơn vị đào tạo nghệ thuật trao đổi tại tọa đàm
 
Ông Biện Quốc Anh, sáng lập viên Trường Âm nhạc Ánh Dương, cho biết hiện trường có 500 - 600 học viên, 36 giáo viên và từ khi thành lập, trường luôn kiếm chuẩn trong đào tạo âm nhạc nghệ thuật nhưng chưa có chuẩn nào để theo. Hiện nay, ngoài những học viên có nhu cầu học nhạc để chơi nhạc thì cũng có những gia đình muốn con họ được cấp chứng chỉ để làm bước đệm, là hành trang để đi du học nên việc có chứng chỉ chuẩn quốc tế rất quan trọng. Tuy nhiên, là đơn vị tư thục thì trường không có chức năng cấp chứng chỉ, nếu có chứng nhận thì cũng chẳng ai chấp nhận.
Biên đạo múa Đỗ Hải Anh, Hiệu trưởng Học viện Unicorn Dance Academy, chia sẻ suốt 7 năm học múa tại Việt Nam, bà chỉ học giáo trình của Nga nhưng lại viết bằng tiếng Pháp nên rất khó khăn. Việc có một chương trình quốc tế, giáo trình chuẩn sẽ giúp học viên hiểu chính xác, bài bản dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới, sau đó điểm xuyến hồn dân tộc để mang ra thế giới.
 
TS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Giám đốc Âm nhạc, Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam - cho rằng các đơn vị đào tạo cần khai thác nguồn học liệu quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0, từ cơ bản đến chuyên sâu như là một đường dẫn để sinh viên đi đến đích. Các bài giảng quốc tế sẽ giúp giáo viên mở rộng khả năng giảng dạy và thích ứng với xu hướng đào tạo nghệ thuật thế giới.
 
Theo các đại biểu, tại TP HCM có đơn vị đào tạo chương trình chuẩn quốc tế, có chức năng cấp chứng chỉ quốc tế trong đào tạo nghệ thuật để liên kết với các cơ sở đào tạo là hết sức cần thiết; giúp các đơn vị đào tạo nâng cao chất lượng, không chỉ chuẩn hóa mà còn làm chủ công nghệ trong việc dạy và học các môn nghệ thuật.
 
Bài và ảnh: Gia Thùy - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu