Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các trường sư phạm nêu thẳng bất cập, vướng mắc trong thực tiễn đào tạo sư phạm hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp xử lý, tháo gỡ, đóng góp thiết thực vào dự thảo Đề án sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm (Đề án) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dựng.
Không thể “cào bằng”
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật cho biết hiện kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm kỹ thuật do ngân sách nhà nước cấp chỉ bằng 1/3 so với thực tế. Giáo viên kỹ thuật không có mã chuyên ngành riêng như ô tô, dệt may, máy công nghiệp… mà chỉ có duy nhất mã ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, rất chung chung. Vì vậy, trường đang chuyển hướng đào tạo các sinh viên sau khi có bằng kỹ sư có thể học thêm một năm về nghiệp vụ sư phạm, hoặc những sinh viên học ngành sư phạm nhưng tự đóng học phí (khoảng 300 em). Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, ngoài giảng dạy trong trường nghề, nhiều em đang làm việc tại bộ phận đào tạo của các doanh nghiệp lớn.
“Vậy hệ thống sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm hay không? Nên chăng hướng đào tạo giáo viên không chỉ từ các trường sư phạm mà sinh viên tốt nghiệp những ngành khác cũng có thể học thêm về nghiệp vụ sư phạm. Đây là những vấn đề Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, xem xét, bổ sung vào Đề án”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.
Nhiều hiệu trưởng nêu thực trạng nhu cầu giáo viên hằng năm đang thấp hơn 2-3 lần tổng số sinh viên sư phạm được đào tạo vừa gây lãng phí, vừa không bảo đảm chất lượng do kinh phí nhà nước cấp cho một sinh viên sư phạm quá thấp. Sinh viên ra trường không xin được việc làm.
PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Đại học Sài Gòn nêu quan điểm không thể bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo sư phạm vì làm như vậy mất hẳn tính cạnh tranh, động lực học tập của sinh viên.
Lời giải từ các trường sư phạm
Để giải “bài toán” này, bên cạnh quan điểm cho rằng cần kiên quyết sắp xếp, thu gọn hệ thống sư phạm, nhiều hiệu trưởng ủng hộ ý kiến của TS Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM là nên dành ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo theo “đặt hàng” đúng nhu cầu của các địa phương tại các trường sư phạm có điều kiện tốt nhất. Số lượng sinh viên ít hơn, học bổng cao, bảo đảm điều kiện việc làm khi tốt nghiệp thì chất lượng đầu vào cũng như chuẩn đầu ra của ngành sư phạm sẽ được nâng lên. Từ đó có thể thu hút cả những sinh viên học sư phạm theo diện tự túc, hoặc những em tốt nghiệp ngành khác bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm để làm việc trong môi trường giáo dục.
Trong khi đó, các trường sư phạm địa phương sẽ tập trung bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên địa phương với sự hướng dẫn, hợp tác của các trường sư phạm trọng điểm. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành sư phạm, trước hết trong các trường sư phạm địa phương, vừa để cho sinh viên thực tập, vừa đáp ứng yêu cầu học tập chất lượng cao của một bộ phận dân cư có điều kiện về thu nhập.
“Việc bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên ở địa phương là rất quan trọng, không chỉ trong dịp hè mà cần luân phiên trong cả năm. Bên cạnh đó, sinh viên xuống trường phổ thông thực hành ở các địa phương là trải nghiệm quý giá. Nếu cho chúng tôi thời gian một năm thì có thể xây dựng, duy trì mạng lưới 19 trường phổ thông thực hành trong các trường sư phạm địa phương”, cô Minh Hồng chia sẻ.
Ủng hộ quan điểm này, GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam khẳng định các trường phổ thông thực hành có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Giảng viên và sinh viên sư phạm có điều kiện tiếp xúc, am hiểu thực tế giáo dục phổ thông. Đây là môi trường cho sinh viên rèn nghề; tiếp nhận những chương trình, phương pháp giảng dạy mới, thực hiện đổi mới cơ chế quản trị trong trường phổ thông. Đội ngũ giáo viên tại trường phổ thông thực hành cần được lựa chọn kỹ càng bởi mỗi thầy cô ở đây là những hình ảnh đầy tính thuyết phục, có khả năng giáo dục các phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên như lòng yêu nghề, yêu trẻ, tính nghiêm túc, cẩn thận, tính khoa học...
Ảnh: VGP/Đình Nam
Các trường sư phạm không được đứng riêng
Lãnh đạo các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao TPHCM, Đại học Nông Lâm TPHCM cũng đề xuất ngay trong khối sư phạm cần mở ra để hợp tác, chia sẻ nguồn lực đào tạo, học liệu, bài giảng…
Đơn cử sinh viên học sư phạm thể dục thể thao trong năm học cuối có thể sang các trường sư phạm, ngược lại cho sinh viên môn giáo dục thể chất sang học tập một thời gian ở trường sư phạm thể dục, thể thao. Hoặc Đại học Nông Lâm bồi dưỡng kiến thức mới trong các môn kỹ thuật nông nghiệp cho giáo viên sư phạm…
“Hướng đề ra như vậy nhưng các đồng chí cần cụ thể hơn nữa. Đầu tiên là học liệu, bài giảng mẫu một số môn, các trường nên lựa chọn đưa lên kho học liệu mở trên Hệ tri thức Việt số hóa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, phải căn cứ nhu cầu sử dụng để “đặt hàng” đào tạo sư phạm. Vừa qua, ngành giáo dục TPHCM có nhu cầu 8.000 giáo viên nhưng chỉ tuyển dụng được 2.000 giáo viên, trong đó thiếu rất nhiều về bậc mầm non, tiểu học. Những môn Toán, Lý, Văn, Ngoại ngữ... thì thừa còn những môn về mỹ thuật, kỹ thuật lại thiếu nhiều. “Nếu có cơ chế để địa phương "đặt hàng", cấp học bổng cho sinh viên sư phạm thì sẽ làm được và bảo đảm đủ giáo viên cho địa phương”.
Đánh giá cao ý kiến từ các trường sư phạm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An khẳng định Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Đề án.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục là của Nhà nước. Nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm, cả Trung ương và địa phương, cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”, kết hợp với các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương. Ngân sách địa phương bảo đảm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm lớn phải mở ra, hợp tác, liên kết đào tạo không chỉ sinh viên sư phạm mà đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành khác, ở trường khác và gắn với đẩy mạnh tự chủ.
Chúng ta cần hình thành nhóm trường sư phạm lớn, làm hạt nhân, cộng đồng trách nhiệm xây dựng chương trình, hỗ trợ, hướng dẫn các trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành rộng khắp, trước hết ở các trường sư phạm địa phương.
Từ phản ánh khó khăn của các trường sư phạm thể dục - thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật… Phó Thủ tướng đề nghị trong Đề án quy hoạch hệ thống các trường sư phạm Bộ GD&ĐT cần quy định “một nhánh riêng”.
“Trường sư phạm là trường mô phạm, vì vậy, thầy và trò trường sư phạm phải thực sự mẫu mực, chuẩn mực nhất từ thực hiện tự chủ, đến xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống trong giảng dạy, sinh hoạt...”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ./.