Thứ tư, 24/06/2020,09:31 (GMT+7)
Đập phá tài sản trên đất dự án đã chuyển nhượng, giám đốc lãnh 10 năm tù
Gần 15 năm sau khi dự án đã được chuyển nhượng cho công ty khác, Nguyễn Thanh Thế (SN 1967, ngụ xã Mỹ Lộc- Tam Bình) muốn đòi lại quyền lợi nên thỏa thuận với Tô Huy Thông (SN 1978, ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè- TP Hồ Chí Minh) tiến hành đập phá tài sản, trồng cây trên đất dự án này.
 
Bị cáo Thế (bên trái) và Thông nghe tòa tuyên án.
Bị cáo Thế (bên trái) và Thông nghe tòa tuyên án.
 
Hành vi của Thế và Thông bị khởi tố về hành vi “Hủy hoại tài sản”. Ngày 22/6/2020, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh, HĐXX đã tuyên phạt Thế 10 năm tù, Thông 6 năm tù.
 
Đòi quyền lợi dự án đã chuyển nhượng
 
Theo hồ sơ vụ án, năm 2003, Thế đăng ký thành lập Công ty TNHH An Phú (gọi tắt là Công ty An Phú), với ngành nghề kinh doanh bất động sản, dịch vụ nhà đất, tư vấn về quản lý kinh doanh.
 
Quá trình hoạt động, công ty do Thế làm giám đốc được phê duyệt làm chủ đầu tư nhà ở An Phú 2 gồm dãy nhà liền kề 38 căn và dãy nhà đơn lập 10 căn, tại địa chỉ: Khóm 4 (nay là Khóm 5, Phường 4- TP Vĩnh Long).
 
Để có tiền thực hiện dự án, Thế đã thế chấp 7.818m2 đất của dự án và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất để vay 20 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (gọi tắt là MHB).
 
Trong khoảng thời gian từ 15/4/2004 đến 15/4/2006, MHB đã giải ngân cho Công ty An Phú 9,8 tỷ đồng. Có tiền, công ty của Thế tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào lưới thép và một số phần việc khác nhưng sau đó thì ngưng và cũng không trả nợ vay.
 
Do không còn khả năng thực hiện dự án, ngày 31/5/2005, cơ quan chức năng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh đối với Công ty An Phú.
 
Trước đó, vào ngày 6/10/2004, được sự đồng ý của MHB chi nhánh Vĩnh Long, Thế với vai trò là đại diện Công ty An Phú đã tự nguyện chuyển giao toàn bộ dự án cho Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (gọi tắt là Công ty BMC thuộc Bộ Công thương) và được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt.
 
Đồng thời, trong hợp đồng chuyển nhượng, Thế đặt điều kiện phía Công ty BMC phải trả hơn 11 tỷ đồng thay Công ty An Phú đang nợ MHB.
 
Sau khi tiếp nhận dự án, Công ty BMC đã thuê công ty lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật khu nhà ở. Sau khi trình các cấp có thẩm quyền, dự án được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt nên Công ty BMC tiến hành ép cọc, lắp đặt đường cống,..
 
Tuy nhiên, sau khi dự án đã được chuyển nhượng cho phía Công ty BMC, Thế lại nghĩ phía Công ty An Phú bị thiệt hại và có thể yêu cầu MHB trả thêm tiền mới tương xứng với dự án. Do đó, ngày 7/7/2005, Thế kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu MHB giải ngân thêm cho Công ty An Phú 10,2 tỷ đồng.
 
Quá trình thụ lý vụ án, tòa án nhận định đối với việc chuyển giao dự án của Công ty An Phú cho Công ty BMC là một quan hệ khác và không có tranh chấp nên không đặt ra giải quyết và chỉ giải quyết trong phạm vi các đương sự yêu cầu.
 
Hơn nữa, tại phiên tòa có sự tham gia của Công ty BMC, Công ty An Phú và phía MHB không đặt ra yêu cầu đối với việc chuyển giao dự án khu nhà ở Khóm 4 (Phường 4- TP Vĩnh Long) nên tòa không xem xét và đã bác yêu cầu của Công ty An Phú.
 
Ngang nhiên đập phá tài sản
 
Dù không đồng ý với phán quyết này của tòa án nhưng Thế với vai trò đại diện Công ty An Phú đã không thực hiện quyền kháng cáo.
 
Tuy nhiên, gần 15 năm sau, tức khoảng đầu năm 2017, Thế đã gặp Tô Huy Thông (SN 1978, ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè- TP Hồ Chí Minh) trao đổi và khẳng định phía MHB đã bán trái phép dự án cho Công ty BMC.
 
Nghe vậy, Thông tin tưởng và hứa giúp thương lượng, chuộc lại tài sản cho Thế. Do đó, khoảng tháng 7/2017, Thông và Thế đến Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) lập vi bằng và thỏa thuận. Theo đó, Thông thay mặt Thế đàm phán với MHB và Công ty BMC.
 
Ngoài ra, giữa Thông và Thế còn có thỏa thuận “hứa thưởng” sau khi đàm phán xong, Thông toàn quyền quyết định với diện tích đất, Thế chỉ nhận lại 5 tỷ đồng. Bất kể trong trường hợp nào, khi Thông đang giải quyết vụ việc mà Thế đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải thanh toán đủ 20 tỷ đồng.
 
Không những thế, giữa Thông và Thế còn thỏa thuận về việc dỡ bỏ các trụ bê tông và một số ống cống đã được Công ty BMC xây dựng sau khi chuyển giao dự án.
 
Vì thế, Thông đã thuê lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ tại khu dự án và đưa xe cuốc vào tiến hành phá dỡ, đập phá các công trình của Công ty BMC như: cọc bê tông, ống cống.
 
Mặt khác, Thông tự xưng với nhân viên bảo vệ của Công ty BMC mình là chủ của khu đất nên nhiều người tưởng thật và xin vào đập phá các trụ bê tông để lấy sắt bán.
 
Đến ngày 15/9/2017, cán bộ phụ trách thi công của Công ty BMC phát hiện sự việc nên trình báo UBND Phường 4 và cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu ngưng ngay hành động đập phá tài sản.
 
Tuy vậy, Thông vẫn tiếp tục đập phá tài sản của Công ty BMC 2 lần nữa, đồng thời, trồng một số cây mai vàng, nguyệt quế trên đất của dự án.
 
Quá trình điều tra, xét thấy hành vi của Thế và Thông có dấu hiệu của tội “Hủy hoại tài sản” nên tháng 3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh đã khởi tố bị can, tạm giam Thế và Thông để điều tra, xử lý.
 
Tại tòa, bị cáo Thông lý giải do quá tin tưởng bị cáo Thế nên không xem các giấy tờ có liên quan đến dự án, dẫn đến hành vi phạm tội. Trong khi đó, Thế cho rằng một số tài sản trên đất dự án là của bị cáo nên đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi hủy hoại đối với những tài sản này. Theo nhận định của HĐXX, tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của 2 bị cáo là đặc biệt nguy hiểm. 2 bị cáo đều cố ý đập phá tài sản của Công ty BMC, trong đó bị cáo Thế giữ vai trò chủ mưu.
 
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam