Thứ năm, 30/01/2020,10:17 (GMT+7)
Dấu son giáo dục và đào tạo
Hậu Giang vinh dự là tỉnh thứ 16 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) mức độ 3 và là tỉnh đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành chuẩn phổ cập này. Đây là cột mốc đáng nhớ của ngành giáo dục và đào tạo trong năm qua.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (phải), trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tác giả và nhóm tác giả đạt giải nhất cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang 2019.
 
Câu chuyện đi phổ cập
 
Nhìn tờ lịch trên tường chỉ còn vài ngày nữa đã sang năm mới, ông Lê Văn Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 6, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Mừng lắm, tết này con đường đến trường của học sinh đã bớt vất vả, bớt gian nan hơn ngày xưa rất nhiều. Lộ đường thông thoáng, trường lớp khang trang hiện đại, phụ huynh lại rất quan tâm đến việc học hành của con cái”. Ông Vũ kể: “Hồi tôi đi dạy năm 1980, lúc đó đâu có đường đi đến trường như bây giờ, mỗi buổi đến trường thầy trò phải lội bộ qua mấy cánh đồng, mùa mưa phải chèo xuồng gần 4km. Đường đi khó quá nên việc vận động cho học sinh đến trường cũng rất gian nan, công tác phổ cập khi đó rất cần sự kiên nhẫn của người thầy. Chúng tôi chưa kịp mừng khi vận động được các em đến lớp, thì vài ngày các em lại nghỉ rồi”.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra thực tế tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Châu Thành A.
 
Tìm hiểu nguyên nhân, thầy Vũ mới biết, một phần vì cha mẹ các em bận lo việc đồng áng, lo cơm, áo cho gia đình, một phần vì đường lộ không có mà các em còn nhỏ thì làm sao tự đến trường… Rồi các thầy bàn với nhau, các em không tự đến lớp được thì mình chèo xuồng đưa các em đi học. Đôi mắt thầy Vũ sáng hơn khi trở về những ký ức mà mỗi buổi sáng thầy trò réo nhau đến trường, hay những hôm xăn quần lội đến lớp, rồi những câu chuyện trò kể thầy nghe về ngày tết ở gia đình mình, ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, các em chia nhau từng cục mứt thèo lèo, từng cọng mứt dừa.
 
Phòng lớp ngày ấy cũng không hiện đại như bây giờ, chỉ là phòng tre lá tạm bợ, bàn ghế được ghép lại bằng những cây tre, cây trúc. Ấy vậy mà học trò ngoan lắm, ngồi nghe rất chăm chú. Còn phụ huynh cũng dần thay đổi suy nghĩ, quan tâm đến việc học của con hơn. Có cây lá nào tốt, chắc chắn phụ huynh để dành đến hè cùng nhà trường lợp lại mái, thay cột…
 
Thầy Lê Trọng Nghĩa, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 6, bộc bạch: “Nếu không có thầy Vũ nhiệt tình đến nhà vận động cha mẹ cho tôi đi học, tôi nghĩ mình đã không được theo đuổi niềm đam mê dạy trẻ như hiện nay. Tôi đang cùng với thầy Vũ và các đồng nghiệp của mình tích cực vận động học sinh đến lớp, ngăn dòng bỏ học”. Hơn 6 năm nay, Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 6 không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ học sinh đến trường đều đạt 100%.
 
Hết lòng vì tương lai học sinh
 
Ông Trần Văn Tư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 3, huyện Long Mỹ, cho biết: “Cứ đến dịp hè là chúng tôi lại tiến hành rà soát danh sách trẻ trong độ tuổi để phối hợp với địa phương vận động các em đến trường. Công tác vận động trẻ cũng có nhiều điều vui nhưng cũng không ít vất vả”. Theo lời ông kể, bà con khi thấy giáo viên đến vận động rất mừng. Có phụ huynh không kiềm được xúc động: “Tôi nghĩ nhà mình ở tuốt trên ruộng chắc thầy cô không quan tâm, nghe thầy cô giải thích lợi ích của việc học tôi sẽ đưa con đến trường liền”. Hay “Cho con gái học nhiều không có ích, học tới lớp 3, lớp 4 để biết ghi tên, cộng trừ tính tiền là được rồi”... Nhưng sau quá trình giáo viên tới lui vận động, nhiều học sinh nữ đã được đến trường, học tập thành tài, trở về giúp ích cho quê hương. Thầy Tư thổ lộ: “Tết này, một số học sinh ngày trước đã gọi điện hẹn với tôi về thăm trường lớp. Ngày xuân thầy trò có dịp gặp gỡ chia sẻ những niềm vui, thành tựu đạt được trong năm mới làm chúng tôi thấy ấm lòng lắm”. Bằng sự tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 3 đã cùng với xã Vĩnh Thuận Đông hoàn thành chuẩn PCGDTH mức độ 3 vào năm 2017.
Thầy Trần Văn Tư (bìa phải), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 3, huyện Long Mỹ, luôn nhiệt tình vận động học sinh đến trường.
 
Học trò ở trường nông thôn thiệt thòi nhiều, từ cơ sở vật chất, phòng lớp, điều kiện học tập lẫn đi lại. Càng thương các em, các trường học trong địa bàn tỉnh càng nỗ lực hơn, tích cực chủ động nâng cao chất lượng dạy và học. Nhất là những giáo viên phụ trách công tác phổ cập. Thầy Phùng Huy Định, giáo viên dạy Trường Tiểu học Trường Long Tây 1, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Thương lắm khi nhìn các em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học giữa chừng. Tương lai các em sẽ đi về đâu khi không biết chữ. Công tác phổ cập dù đường có xa, phải tốn nhiều thời gian, công sức tới lui vận động gia đình, nhưng tất cả vì học sinh thân yêu của mình”.
 
Thành quả từ sự chung tay
 
PCGD, xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. 16 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chỉ tiêu, giải pháp để tập trung đầu tư cho giáo dục. Thành quả là năm 2005, Hậu Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 1; đến năm 2015 được công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2 và năm 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3. Hậu Giang trở thành tỉnh thứ 16 trong cả nước đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 và là tỉnh đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long có vinh dự này.
 
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Kết quả đạt được trong công tác PCGD tiểu học mức độ 3 là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng với chính quyền địa phương và cả sự đồng thuận của Nhân dân. Chúng tôi thấy tự hào vì những chỉ tiêu, tỷ lệ các tiêu chuẩn cần đạt của tỉnh đều vượt hoặc tương đương với cả nước. Nhất là tỷ lệ giáo viên cấp tiểu học vượt chuẩn của tỉnh, phòng lớp trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cao, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, hỗ trợ hết lòng… Tất cả đều vì mục tiêu, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ được đến trường”.
Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2, huyện Long Mỹ, với cơ sở vật chất hiện đại, khang trang.
 
Dấu ấn nổi bật trong công tác hoàn thành các tiêu chuẩn PCGDTH mức độ 3 là trong năm học 2018-2019 ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng thành công Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2, huyện Long Mỹ, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Việc công nhận mới thêm trường đã góp phần nâng tổng số trường đạt chuẩn mức độ 2 toàn tỉnh là 2 trường. Trong đó cả 2 trường đều thuộc cấp tiểu học. Trường Tiểu học Hùng Vương (thị xã Ngã Bảy) là trường đầu tiên của tỉnh được nhận vinh dự này. Hiện nay, Hậu Giang đã xây dựng được 97/167 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ trên 58%.
 
Được công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người” mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng trao gửi nhiệm vụ.
   Trái ngọt
 
- Toàn tỉnh có 336 trường từ mầm non đến phổ thông (trong đó có 84 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 62 trường THCS, 23 trường THPT), với hơn 163.988 học sinh. Riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 69.495 học sinh, với 2.488 lớp. Toàn tỉnh có 2.316 phòng học, trong đó có 1.139 phòng kiên cố. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 hàng năm huy động đều đạt 100%. Công tác duy trì sĩ số cuối năm học đạt từ 99,7-99,9%. Tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt chuẩn 100%, trong đó vượt chuẩn 88,36%, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,44. Tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học năm qua đạt 99,35%. 76/76 xã đạt tiêu chuẩn PCGDTH mức độ 3; 8/8 huyện đạt tiêu chuẩn PCGDTH mức độ 3, trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 95,82%...
 
PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định: “Tôi thấy mừng vì các trường đã khai thác khá hiệu quả các phòng chức năng được trang bị. Phụ huynh quan tâm và đầu tư cho việc học tập của con em, đó là những tín hiệu vui, là nền tảng vững vàng để giáo dục Hậu Giang từng bước vươn lên khẳng định chất lượng dạy học. Ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đã và đang làm rất tốt công tác chăm bồi tài năng cho các em học sinh ngay khi còn ở cấp tiểu học”.
CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu