Chủ nhật, 02/05/2021,07:21 (GMT+7)
Đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây ĐBSCL
Thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích trồng cây ăn trái ở ÐBSCL có trên 362.000ha, chiếm 70% sản lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, trái cây ÐBSCL vẫn chưa thể tạo ra những giá trị gia tăng lớn, do còn nhiều “điểm nghẽn” chưa được khơi thông, nhất là đầu tư cho khâu chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch.
ĐBSCL có nhiều loại trái cây đặc sản có tiềm năng xuất khẩu. Ảnh: V.CÔNG
 
Thiếu nguồn lực để nắm bắt cơ hội
 
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của DN cả nước đạt 3,36 tỉ USD, với các thị trường lớn chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc… Thống kê của ngành Nông nghiệp, quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này có sự đóng góp rất lớn của ngành trái cây vùng ÐBSCL. Nhiều loại trái cây đặc sản của ÐBSCL đã có sự tăng trưởng về sản lượng trong các tháng đầu năm nay. Cụ thể, sản lượng một số loại cây ăn trái ở ÐBSCL tăng, gồm: bưởi đạt 143.300 tấn, tăng 2,4%; thanh long 326.300 tấn, tăng 4,3%; xoài đạt 236.700 tấn, tăng 1,3%; dứa 134.300 tấn, tăng 7%; chuối 653.400 tấn, tăng 2,5%... so với cùng kỳ năm 2020.
 
Mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển cây ăn trái, nhưng các nhà khoa học cho rằng, tại ÐBSCL diện tích trồng cây ăn trái vẫn tự phát là chính. Ðiển hình thời gian qua, nhiều địa phương phát triển quá “nóng” diện tích trồng mít Thái, khi cung vượt cầu thì điệp khúc “trồng rồi chặt bỏ” đã xảy ra. Nhiều loại trái cây đặc sản cũng rơi vào cảnh thừa hàng, dù thị trường xuất khẩu rộng cửa nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, nên không thể tiếp cận thị trường nước ngoài. Thêm vào đó, việc nghiên cứu lai tạo giống cây cũng chưa được đầu tư đúng mức, nhiều giống nhập khẩu từ Thái Lan, Ðài Loan. Trong khi các nhà khoa học trong nước đủ sức nghiên cứu, nhưng nguồn lực đầu tư cho khoa học còn hạn chế và điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao, thương mại hóa cây giống.
 
Các nhà khoa học cho rằng, để xây dựng chuỗi giá trị trái cây cho ÐBSCL thì phải đi tìm các điểm nghẽn trong chuỗi giá trị. Có trái cây ngon, nổi tiếng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ, mà phải giải quyết tất cả các điểm yếu trong chuỗi như: thương hiệu, bảo quản, logistics… để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị trái cây toàn cầu. Trên thực tế, trái cây ở ÐBSCL bán khắp các chợ đầu mối, qua thương lái, thiếu cơ sở đóng gói… nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 20-25%; thậm chí 80%. Ðiều này không chỉ làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị sản phẩm, mà còn khó cho quy hoạch vùng trồng.
 
GS.TS Nguyễn Văn Mười, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng: “Việc bảo quản các loại nông sản là vấn đề cấp thiết, do tổn thất sau thu hoạch rất lớn. Nông sản muốn bảo quản tốt, giảm bớt tổn thất thì khâu xử lý tiền thu hoạch phải đảm bảo. Bởi phương pháp thu hoạch của người dân cũng ảnh hưởng đến thất thoát sau thu hoạch, nếu không đúng cách sẽ làm tổn thương cơ học các loại trái cây. Mỗi loại trái cây có nhiệt độ bảo quản khác nhau, đa phần phải ở nhiệt độ thấp, cộng với bao bì, màng bao… để kéo dài thời gian bảo quản. Hiện nay, Bộ môn Công nghệ thực phẩm đã nghiên cứu nhiều loại màng bao khác nhau, ví dụ cho trái bưởi, sử dụng màng bao này có thể bảo quản trên 4 tháng”.
 
Theo GS.TS Nguyễn Văn Mười, dù ngân sách cho khoa học chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng hiện Nhà nước đã chú trọng đầu tư ngân sách cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu và tập hợp với nhà doanh nghiệp để chuyển giao. Song, để đi vào thực tiễn sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị thì nhà nông phải được tập huấn từ khâu trồng đến thu hoạch và bảo quản.
 
Ðổi mới tư duy
 
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên, TP Cần Thơ, cho biết: “Bảo quản trái cây là điều cần thiết trong chu trình sản xuất, canh tác. Nhưng bảo quản sau thu hoạch không giải quyết vấn đề gia tăng giá trị, nếu nó tách rời với các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, logistics… Bảo quản cũng chỉ là bước đảm bảo quy trình mua bán hàng hóa từ người bán đến người mua. Ví dụ xuất khẩu xoài sang Mỹ, Canada thì chu trình đi trên biển 30-35 ngày, nếu đáp ứng yêu cầu các kỹ thuật, giấy tờ, mà bảo quản không tốt, xoài hư hao, khách không nhận hàng. Còn ngược lại, chúng ta chỉ khư khư bảo quản mà không chú ý đến quy trình sản xuất thì qua nước nhập khẩu test lại vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì cũng không được. Cho nên phải đáp ứng tất cả yêu cầu, khi quản lý tốt vùng trồng thì khi thu hoạch, bảo quản sẽ tốt hơn”.
 
Theo ông Cung, khi đã là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn thì bắt buộc phải đầu tư bảo quản trái cây. Nếu không, thiệt hại sẽ cao hơn và cộng vào giá thành sẽ làm doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh. Tùy loại cây trồng, mà tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao hay thấp, có thể 2% và có thể 80%. “Ví dụ trái xoài xuất khẩu, không thể đi lênh đênh trên biển 30-35 ngày qua Mỹ, Canada… mà không có bảo quản thì chỉ 3-5 ngày, trái xoài sẽ hư. Nhất là rủi ro về thời tiết và dịch COVID-19 như hiện nay, sản phẩm có thể phải lưu kho. Nên cần có bảo quản tốt” - ông Cung nói.
 
Nói về nguồn lực đầu tư, ông Cung cho rằng, vốn thì doanh nghiệp nào cũng cần nhưng đã làm doanh nghiệp thì đều có cách đảm bảo thanh khoản. Cái doanh nghiệp cần lớn nhất là nhận thức của các bên tham gia chuỗi trái cây. Với Ðại Thuận Thiên, công ty chú trọng nhất là vùng trồng, công ty cần chính quyền hỗ trợ để có thể tiếp cận vùng trồng nhanh và tốt hơn. Còn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp thì đều cần thiết, nhưng quan trọng nhất là cải cách về thể chế và thông tin khách hàng mà cơ quan cung cấp cho nông dân, doanh nghiệp để làm cơ sở sản xuất, mở rộng thị trường.
 
Mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỉ USD và đây là cơ hội lớn cho vùng ÐBSCL. Nhưng để đạt mục tiêu này cần phải giải quyết những “điểm nghẽn” trong chuỗi giá trị trái cây hiện nay. GS.TS Nguyễn Văn Mười cho rằng, các cơ hội từ các FTAs thế hệ mới đang mở ra cho nông sản. Ở ÐBSCL, có nhiều doanh nghiệp rất “nhạy” trong nắm bắt thị trường, họ vừa bán vừa hướng dẫn nông dân quy trình canh tác để có sản phẩm đồng nhất, đạt chất lượng đồng đều, sạch và kiểm soát chặt quy trình. Thêm vào đó, nhà khoa học, Nhà nước cùng vào cuộc, “4 nhà” gặp nhau, hiểu nhau sẽ làm tăng thêm giá trị cho nông sản ÐBSCL, vừa giúp tiêu thụ nông sản, vừa giúp nông sản vươn ra thị trường thế giới.
 
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu