Thứ hai, 08/06/2020,08:31 (GMT+7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Là một trong ba huyện ven biển của tỉnh, có đường bờ biển dài 12km, Ba Tri đã xác định cơ cấu kinh tế của huyện là phát triển nông nghiệp toàn diện, kinh tế biển gắn với thương mại - dịch vụ và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
 
Chế biến cá khô tại xã An Thủy. Ảnh: Minh Đức
Chế biến cá khô tại xã An Thủy. Ảnh: Minh Đức
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
 
Các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị đã quan tâm triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các chính sách về phát triển kinh tế biển để tổ chức thực hiện. Các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển, xác định kinh tế thủy sản là lĩnh vực tiềm năng và cần tập trung khai thác.
 
Ba Tri có 5.585ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm 3.785ha. Tổng giá trị nuôi giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5.276 tỷ đồng, tăng bình quân 2,47%/năm. Đánh bắt thủy hải sản phát triển nhanh, số tàu đánh bắt xa bờ từ 1.266 tàu vào năm 2015 đến nay đã tăng lên 1.565 tàu. Tổng giá trị khai thác 12.339 tỷ đồng, tăng bình quân 20,27%/năm. Các hợp tác xã thủy sản được củng cố, tiếp tục hoạt động hiệu quả, ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng ven biển.
 
Đến nay, huyện đã hoàn thành quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản, đây là nền tảng quan trọng để phát triển ngành thủy sản. Huyện cũng đã hoàn thành các đề án quy hoạch Làng cá An Thủy, quy hoạch sử dụng đất các xã ven biển, đặc biệt là huyện đang hoàn thành các bước sau cùng để thành lập thị trấn Tiệm Tôm.
 
Kết cấu hạ tầng khu vực các xã biển từng bước được đầu tư đồng bộ, giao thông thuận lợi, thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển ở khu vực biển. Nhiều công trình, dự án đã được đầu tư như: Đường vành đai ven biển, Cảng cá mới, Khu tránh, trú bão cho tàu thuyền, Bờ kè chống sạt lở Cồn Ngoài... Quy hoạch Cụm công nghiệp An Hòa Tây được phê duyệt và đang mời gọi đầu tư, hiện đã có các doanh nghiệp hoạt động.
 
Đi đôi với phát triển tiềm năng kinh tế biển, huyện tăng cường công tác quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là các xã ven biển. Huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên, tổ chức diễn tập cấp huyện và các xã, thị trấn đảm bảo an toàn, chất lượng.
 
Việc bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển cũng được thực hiện tốt; công tác quản lý ngư dân đánh bắt thủy, hải sản được tăng cường nhằm hạn chế các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.
 
Ngành kinh tế mũi nhọn
 
Để khai thác có hiệu quả kinh tế biển, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Huyện ủy Ba Tri xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phạm Thị Thanh Nga, mục tiêu của chương trình hành động là đưa kinh tế biển trở thành ngành mũi nhọn của huyện; chủ động thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách cũng như quy định về phát triển kinh tế biển. Thực hiện tái cơ cấu ngành nghề khai thác thủy sản, giảm thiểu nghề lưới kéo.
 
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp nhân dân về vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích kinh tế biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm đến mức thấp nhất các tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của khai thác hải sản bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
 
Củng cố hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển. Tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác thủy sản, khai thác đúng tuyến, vùng biển, tuyệt đối không vi phạm lãnh hải các nước bạn. Hỗ trợ 3 nghiệp đoàn nghề cá duy trì hoạt động phát triển. Xây dựng cơ sở liên doanh, liên kết giữa nông dân, ngư dân sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp trong chế biến thủy sản. Phát triển mạnh về du lịch biển.
 
UBND huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giữ vững ổn định tàu khai thác xa bờ là 1.650 chiếc, sản lượng khai thác tăng bình quân 12,03%/năm; tỷ trọng tàu kéo lưới giảm xuống 50%; tổng sản lượng khai thác đạt 100 ngàn tấn; có 100% tàu xa bờ hoạt động theo tổ đội; 100% tàu khai thác xa bờ được lắp thiết bị giám sát hành trình và được quản lý chặt chẽ... với các dịch vụ nông nghiệp trở thành hoạt động kinh tế chính của huyện.
 
Quốc Hùng - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu