Công an quận Ninh Kiều tổ chức cấp CCCD lưu động cho cán bộ, công chức quận.
Thượng tá Trần Hoàng Phúc, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Khi nhận kế hoạch của Bộ Công an về cấp CCCD gắn chíp điện tử, Phòng đã tổ chức lập danh sách người trong độ tuổi cấp CCCD nhưng chưa được cấp. Ðồng thời, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia các lớp tập huấn về cấp CCCD gắn chíp điện tử. Ðối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng minh nhân dân 12 số, CCCD mã vạch vẫn còn giá trị sử dụng thì vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và sử dụng bình thường. Khi triển khai cấp CCCD gắn chíp điện tử, các trường hợp hết thời hạn sử dụng thì phải đổi CCCD gắn chíp điện tử. Tuy nhiên, các trường hợp chưa hết hạn, nhưng người dân có yêu cầu đổi sang CCCD gắn chíp điện tử thì vẫn được thực hiện theo yêu cầu”.
Theo Công an TP Cần Thơ, thực hiện Luật CCCD, Công an thành phố đã cấp CCCD mã vạch cho khoảng 60% người dân trên địa bàn. Ðây cũng là một thuận lợi cho lực lượng và người có nhu cầu đổi sang CCCD gắn chíp điện tử vì hồ sơ tương đối hoàn chỉnh.
Ở huyện Phong Ðiền, Công an huyện thành lập 2 tổ (tổ 1 tại Công an huyện; tổ 2 cấp lưu động tại các xã, thị trấn) tiến hành cấp CCCD gắn chíp cho tất cả các công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Thời gian thực hiện từ ngày 1-3 đến 30-4-2021. Thời gian nhận hồ sơ từ 7 giờ đến 22 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. Hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử gồm: hộ khẩu (bản chính hoặc photo); chứng minh nhân dân hoặc CCCD (nếu có); giấy khai sinh hoặc các loại giấy tờ khác có thể hiện ngày, tháng, năm sinh.
Nhờ sự tích cực và thiết bị hiện đại nên mỗi hồ sơ của công dân, lực lượng chỉ xử lý từ 5-10 phút. Nghe thông báo về cấp đổi CCCD lưu động, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, sắp xếp thời gian đến trụ sở Công an xã làm căn cước. Ông Dũng chia sẻ: “Anh em cán bộ giải quyết thủ tục cho người dân nhanh lẹ, hướng dẫn tận tình, tôi hài lòng lắm!”.
Tại các quận, huyện khác trên địa bàn TP Cần Thơ, lực lượng Công an cũng đã triển khai việc cấp CCCD lưu động cho người dân. Ông Nguyễn Văn Hải ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Hay tin có cán bộ đến khu vực làm thủ tục cấp đổi CCCD lưu động, tôi tranh thủ thời gian làm luôn. Việc làm này rất tiện cho bà con, không phải tốn công sức, thời gian đi lại”.
Ðể việc cấp CCCD thuận lợi nhất, trước đó, Công an các địa phương đã thông báo về việc điều chỉnh giấy tờ tùy thân cho thống nhất về ngày, tháng, năm sinh, quê quán… Ðồng thời, tuyên truyền người dân nên lưu ý khi đến liên hệ đề nghị cấp CCCD cần mang theo sổ hộ khẩu, khai sinh, các loại giấy tờ liên quan. Nếu như thông tin của bà con có sự điều chỉnh thay đổi thì nên nhanh chóng liên hệ với Công an cấp xã để thay đổi, đính chính kịp thời...
Ðiểm khác biệt lớn nhất của CCCD gắn chíp so với CCCD mã vạch là thay vì sử dụng mã vạch hai chiều như trước đây, Bộ Công an thay thế bằng chíp điện tử gắn vào mặt sau của thẻ CCCD, nhằm lưu trữ thông tin của công dân. Thẻ CCCD gắn chíp có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… Việc sử dụng CCCD gắn chíp sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi thẻ tích hợp đầy đủ thông tin, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng CCCD gắn chíp là có thể thực hiện được các giao dịch...
Thượng tá Trần Hoàng Phúc cho biết: “Do CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp nhiều thông tin cá nhân, nên trong quá trình sử dụng, người dân cần bảo quản cẩn thận, hạn chế tình trạng lộ thông tin cá nhân. Khi CCCD bị mất, người dân nhanh chóng trình báo và liên hệ Công an quận, huyện để thực hiện thủ tục cấp lại theo quy định”.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)