Chủ nhật, 16/01/2022,16:26 (GMT+7)
ĐBSCL và TP HCM kết nối tiêu thụ hàng hóa
Vùng ĐBSCL đã có nhiều thành công trong công tác phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân
 
Ngày 15-1, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình kết nối tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tham dự chương trình có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ TP HCM và tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
 
Nhiều tiềm năng kết nối
Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
 
Tại Đồng Tháp, thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là: Cá tra, xoài, hoa kiểng, vịt, lúa gạo. Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và TP HCM có sự kết nối đạt nhiều sự tích cực. Trong 10 năm qua có tổ chức chương trình kết nối cung cầu, góp phần giải quyết tốt đầu ra cho nông sản địa phương.
 
Đồng Tháp đang đẩy nhanh phục hồi kinh tế, song cái khó là doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh quy mô nhỏ, chưa kết nối được với TP HCM. Tỉnh đang quy hoạch mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, VietGAP, GlobalGAP; sản xuất gắn với thị trường; nâng cao sức ảnh hưởng của hợp tác xã, tổ hợp tác; chuyển đổi công nghệ số trong nông nghiệp…
 
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, chia sẻ: "Bến Tre có sản phẩm chủ lực là dừa với hơn 70.000 ha. Tỉnh đã chú trọng hướng nông dân sản xuất bền vững. Qua đó, có 100 sản phẩm xuất xứ từ dừa. Tuy nhiên, chỉ xuất khẩu mà không nghĩ đến tiêu thụ nội địa thì không giúp nông dân có cơ hội đầu ra. Vì vậy, địa phương mong muốn sản phẩm dừa Bến Tre và các nông sản khác được kết nối với siêu thị, hiệp hội của TP HCM".
 
Ông Phạm Thiện Nghĩa nhận định thời gian qua, việc sản xuất nông sản của tỉnh vẫn thiếu sự gắn kết trong từng khâu, chuỗi giá trị. Đồng thời, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông sản đa phần sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu tính kết nối.
 
Trước tình hình này, ông Nghĩa mong muốn các doanh nghiệp lớn tại TP HCM đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng thực hiện tốt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Sự liên kết phải thể hiện rõ giữa các tỉnh, thành với TP HCM.
 
ĐBSCL và TP HCM kết nối tiêu thụ hàng hóa - Ảnh 1.
Ký kết biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị tại chương trình kết nối
 
Vào chuỗi cung ứng lớn
Theo lãnh đạo UBND TP HCM, ĐBSCL là vùng kinh tế có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đã có nhiều thành công trong công tác phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất nông sản quy mô lớn, bảo đảm chất lượng, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
 
Bên cạnh đó, từ thói quen lâu năm, do chưa được định hướng rõ ràng nên nông dân thường có xu hướng sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, dễ dao động, có xu hướng hủy bỏ cam kết để chạy theo lợi nhuận trước mắt… nên không xây dựng được các chuỗi cung ứng bền chặt, sản xuất không theo tín hiệu thị trường; dẫn đến hiện tượng được mùa - mất giá, giải cứu thường thấy trong thời gian qua.
 
Trong định hướng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết Bến Tre mong muốn gắn kết với thị trường TP HCM và các tỉnh, thành lân cận để đi vào các chuỗi cung ứng, kinh doanh lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà phân phối hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trong khâu sơ chế, đóng gói, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại.
 
Để công tác tổ chức hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa thành công, theo bà Phan Thị Thắng, thời gian tới, đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của TP HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng bảo đảm; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch, mua bán hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận hàng hóa rõ ràng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Qua đó, tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TP HCM và các tỉnh.
 
Cùng đó, yêu cầu Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết. Song song đó, cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho doanh nghiệp các địa phương tiếp tục thực hiện công tác kết nối tiêu thụ nông sản, bảo đảm hiệu quả công tác kết nối không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản và tại các địa phương khác.
 
Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP HCM nghiên cứu đề xuất của Hội Công nghệ cao TP HCM và các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sendo) tham mưu triển khai giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử vào công tác đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc thông tin xuất xứ hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều phối nông sản của vùng ĐBSCL.
 
Các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và sàn thương mại điện tử TP HCM phải tăng cường hợp tác với các trang trại, nhà vườn, nông dân kết nối giao thương, ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn; giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng và ổn định.

 

Khai thác tốt thế mạnh

Bà Phan Thị Thắng nhận định: "Thời gian qua, chúng ta tập trung tổ chức các hoạt động hợp tác kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trên tinh thần khai thác tốt thế mạnh và sử dụng hiệu quả tiềm năng của mỗi địa phương. Điều này tạo cầu nối để doanh nghiệp các địa phương liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa hoạt động một cách hiệu quả, ổn định, thông suốt là hết sức cần thiết trong điều kiện bình thường mới, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL".

 
Bài và ảnh: Tâm Minh (nld.com.vn)

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu