Thứ hai, 29/01/2024,08:36 (GMT+7)
“Để bụng” qua cù lao đi chợ
Phiên chợ quê Tân Thuận Đông họp vào ngày thứ bảy hằng tuần. Khoảng thời gian này, xe máy, ô tô phải gửi từ ngoài, đoạn đường làng họp chợ dành hẳn cho du khách được thoải mái, an toàn
 
Đến TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) vào ngày thứ bảy, lân la hỏi chuyện để tìm nơi chơi vui, ăn ngon, tình cờ chị Phạm Minh Thu gợi ý đi chơi cù lao Tân Thuận Đông, nhưng dặn: "Nếu chưa đói lắm thì khoan ăn trưa, có ăn thì lót dạ ít thôi, để bụng qua cù lao, không thôi tiếc đó…". Câu nói lấp lửng cố tình gây tò mò khiến chúng tôi ra ngay bến phà Hòa An để qua cồn Tân Thuận Đông.
 
Mát người, mát mắt
Phà cập bến Tân Thuận Đông. Vừa đặt chân lên cù lao, biết chúng tôi là khách du lịch, một người dân nhiệt tình chỉ: "Đi chợ quê thì đi thẳng, nhìn theo mấy tấm bảng hướng dẫn là tới đó".
 
Khách du lịch thích thú chụp ảnh ở cổng chợ Tân Thuận Đông
Khách du lịch thích thú chụp ảnh ở cổng chợ Tân Thuận Đông
 
Chúng tôi đi gần 5 km, theo đường xã Tân Thuận Đông rồi rẽ đường làng về hướng cặp bờ sông ra bến tàu du lịch ở ấp Tân Phát là đến chợ quê. Cù lao bốn bề sông nước. Đường làng sạch sẽ, rợp bóng của từng hàng cây xoài lủng lẳng trái. Đi đến đâu thấy mát người, mát mắt đến đó.
 
Phiên chợ quê Tân Thuận Đông họp vào ngày thứ bảy hằng tuần từ 13 giờ đến 21 giờ. Khoảng thời gian này, xe máy, ô tô phải gửi từ ngoài, đoạn đường làng họp chợ dành hẳn cho khách đi được thoải mái, an toàn.
 
Ấn tượng đầu tiên gây thiện cảm cho tôi là sự đồng bộ các gian hàng đóng bằng tre, bảng hiệu bằng nia tre, sắp xếp trật tự, người bán bày hàng bắt mắt. Lướt nhanh từ đầu đến cuối chợ, mới hiểu lời "để bụng qua cù lao, không thôi tiếc đó" của chị Minh Thu. Quá nhiều món mặn, ngọt, ăn vặt, giải khát đủ thứ, nếu không lướt nhìn cho tỏ thì lỡ ăn món này nhiều sẽ tiếc vì không ăn nổi món khác.
 
Đang bụng đói, cháo vịt Cô Út chỉ 20.000 đồng/tô; cà ri bánh mì, bánh xèo Mười Thanh có 25.000 đồng/phần; bún riêu gian hàng Minh Thư 25.000 đồng/tô; bánh tằm bì, bì cuốn ở hàng Cô Vân, bún thịt xào hàng Thùy Dung… đều hấp dẫn. Chúng tôi chọn mở hàng cháo hến vì món này ở thị thành không dễ có.
 
Những món đồng quê rặt cách chế biến của dân Tây Nam Bộ có tôm càng sông nướng, bánh tráng cuốn hến, tép chiên bột, ếch nướng mọi, chuột đồng nướng lu, cua đồng và càng cua đồng nướng, ốc bươu, ốc lát hấp sả, thịt ốc bươu nhồi ống tre, bò nướng lá cách, hột vịt lộn xào me… May là tô cháo hến mới chỉ lưng dạ dày, nên mỗi người đều dùng thêm mỗi món một ít cho biết hương vị.
 
Những sắc màu hấp dẫn
 
Miền Tây từ xa xưa đã là vùng nổi tiếng có phụ nữ khéo tay làm nhiều loại bánh dân gian nhất Nam Bộ. Riêng Đồng Tháp vừa có diện tích trồng lúa lớn nhất, vừa có Sa Đéc là nơi sản xuất bột gạo, bột nếp nhiều nhất cả nước.
 
Nguyên liệu làm bánh hầu như sẵn có trong từng nhà, nên phụ nữ ở Đồng Tháp khéo tay khỏi bàn. Chỉ trong chợ quê nhỏ trên cù lao Tân Thuận Đông mà các bà, các chị bán hàng đã khiến khách choáng ngợp với hàng chục loại bánh vừa đủ hương vị mặn - ngọt, vừa lắm màu sắc hấp dẫn.
 
Nhiều người bán một, hai loại bánh như: hàng Cô Lệ có bánh bông lan, bánh nhún; hàng Linh có bánh tai yến; hàng Hoàng Yến bán bánh bột bán mặn và ngọt… Có hàng bán nhiều loại bánh như hàng bánh dân gian Cô Ba có bánh ít trần, bánh tét, bánh cuốn ngọt, bánh tằm ngọt, bánh bò, bánh da lợn, bánh đậu xanh nướng.
 
Đủ loại bánh hấp dẫn trong chợ
Đủ loại bánh hấp dẫn trong chợ
 
Cuốn hút đông khách xem là hàng bánh trái cây đậu xanh Cô Út, bắt mắt từ hình thức từng chiếc bánh hình trái cây như thật, sử dụng màu tự nhiên từ rau củ quả và hấp dẫn bởi hương thơm, vị ngọt, béo của đậu xanh, sầu riêng, nước cốt dừa hòa quyện nhau.
 
Nhiều loại bánh quen thuộc với người miền Nam như bánh cuốn ngọt, bánh chuối nướng, bánh gói, bánh kẹp, bánh quai vạt, bánh xếp, bánh bông lan, bánh cam, bánh còng..., nhưng có nhiều loại bánh thì trừ người miền Tây biết chứ khách nơi khác đến thì khá lạ, như bánh cúng, bánh cắp, bánh nhún, bánh bột lọc cuốn lá dứa, bánh bột lọc lá mơ cuốn lá mít, bánh con đuông, bánh ít gân gói bằng lá dừa, bánh tai yến, bánh đúc gân lá dứa chấm nước đường thốt nốt…
 
Dừng ở hàng bán bắp hạt hầm gói trong lá chuối có chiếc muỗng bằng bẹ chuối, mua một gói, chị Kim Thu (từ TP HCM) bày tỏ: "Món này gợi cả trời kỷ niệm hồi đi học, giờ ở thành phố có bán bắp hạt hầm nhưng gói trong ni lông, dùng muỗng nhựa, ăn không khoái. Tôi mới uống ly hạt é, giờ thấy hàng si rô nước đá bào nữa, chắc phải mua một ly này, toàn là thức uống mà bọn học trò thành phố thập niên 1970 - 1980 rất thích".
 
Sương sa bánh lọt, chè bưởi hạt sen, bắp nướng, khoai lang nướng, chuối nếp nướng, cà na ngào, mứt dừa, củ ấu… là những món ăn vặt hút khách. Thật là đến chợ quê với bụng rỗng, chưa thể thưởng thức hết các món đã phải nghĩ nếu còn thích món ăn nào thì phải mua mang về thôi.
 
Có gì mang ra thứ ấy
 
Chợ quê Tân Thuận Đông còn có nhiều hàng rau, trái được người dân trồng ngay trên cù lao, vườn nhà có gì mang ra chợ thứ ấy hay mua thêm của hàng xóm để bán.
 
Hàng Cô Mẽo chuyên chuối sứ, chuối cau, chuối sáp. Hàng Chú Tám chuyên trái cây có cam, xoài, cà na, đu đủ, mận… Hàng rau Cô Điệp có bông điên điển. Các hàng rau khác có rau vườn, rau sông đặc biệt như: rau trai, rau mác, rau nhút, rau dịu, rau sam…
 
Tân Thuận Đông là cù lao thuộc TP Cao Lãnh, gồm hơn 2.500 hộ dân sinh sống. Bà con trên cù lao cho biết nơi đây có nhiều vườn cây nên được Đồng Tháp đầu tư thành lập làng du lịch sinh thái Tân Thuận Đông từ năm 2016. Suốt mấy năm lượng khách không nhiều lắm, nhưng từ tháng 12-2022 - khi có thêm chợ quê, cù lao này thu hút du khách nhiều hơn.
 
Những người bán hàng trong chợ ngày thường làm những công việc khác, đến ngày thứ bảy mới tập trung ở chợ quê. Bà Lộc mỗi ngày 11 giờ đi gom hoa màu trồng trên cù lao, chiều đưa qua chợ Cao Lãnh bỏ mối. Hoàng Yến - con dâu bà Lộc - nói lúc đầu ra bán ở chợ quê được địa phương hỗ trợ 200.000 đồng một ngày chợ mở để làm vốn, được hỗ trợ 8 kỳ chợ như vậy. Sau đó chợ đi vào hoạt động ổn định thì tự mỗi người bán bỏ vốn ra.
 
Hiện giờ, hai mẹ con bà Lộc xuất vốn có ngày nhiều, ngày ít, tùy thời điểm chợ mở (ngày lễ, Tết bán nhiều hơn). Món chính bà Lộc bán là bánh bột bán mặn và ngọt, còn cà na nhà trồng thì thỉnh thoảng hái được nhiều, bà làm cà na ngào đường đem ra bán thêm.
 
Bà Lộc tâm sự: "Có chợ, có thêm thu nhập, vui là đương nhiên. Song, được giao lưu với khách thập phương, thấy người ta thích đến quê mình thì hạnh phúc hơn, nên cứ trông đến ngày thứ bảy lắm".
 
Ai đi xe máy có thể vào tận cổng chợ gửi xe, nhưng do đi ô tô nên chúng tôi phải dừng ở Trường THCS Tân Thuận Đông để được trung chuyển bằng xe máy. Các bạn thanh niên nhanh nhẹn điều phối xe, không để khách chờ lâu. Các anh em chạy xe máy trung chuyển thì vui vẻ, ân cần đón khách. Tấm bảng ghi số điện thoại gọi xe trung chuyển treo gần cổng chợ, khách muốn về giờ nào cứ gọi, chỉ 1-2 phút là có xe đón ngay.
 
Người bán hàng sử dụng đồ dùng bằng vật liệu không làm ảnh hưởng xấu  cho môi trường
Người bán hàng sử dụng đồ dùng bằng vật liệu không làm ảnh hưởng xấu cho môi trường
 
Nói về việc giữ vệ sinh môi trường, có thể thấy những người bán hàng rất chú ý. Trước khi chợ quê này được mở, bà con đã được huấn luyện về cách trình bày gian hàng sao cho đẹp, ấn tượng, luôn giữ sạch sẽ từng gian hàng, khu ăn uống không có rác để cả chợ đều sạch đẹp trong mắt khách.
 
Quy định cho người bán ở chợ là không sử dụng tô, chén, ly, muỗng nhựa, thay bằng vật dụng bằng giấy, bằng tre, đồ dùng sản xuất từ tinh bột mì, gói hàng bằng lá chuối, lá sen, túi giấy. Cái gì cột bằng dây chuối, dây lát được thì dùng, hạn chế rác thải nhựa để chợ quê mang hình ảnh thật gần gũi với đời sống tự nhiên giản dị, thanh sạch.
 
Làm thương hiệu cho khách nhớ hơn
 
Địa phương khuyến khích các món hàng bán ở chợ do người dân tự làm, hoặc tự trồng, thu hoạch mang ra bán, hạn chế việc mua hàng từ nơi khác đem vô chợ bán.
 
Bà con thực hiện khá tốt. Điều này tạo cho khách thiện cảm với chợ quê, ăn món nào cũng thấy an tâm, mua món nào mang về cũng thấy thích vì hàng tận gốc bảo đảm tươi, ngon.
 
Ông Nguyễn Văn Đỡ (Tư mắt kiếng) ngày thường làm vườn, làm MC, dẫn lễ cho đám cưới, đám hỏi, đến chiều thứ bảy ra chợ phụ bán si rô đá bào ở hàng Út Tâm. Ông giơ ly đá bào lên khoe cái ly giấy có in nhãn "Si rô đá bào Út Tâm - Tân Phát - Tân Thuận Đông".
 
Ông Đỡ nói: "Địa phương đã lo việc quảng bá cho chợ quê. Mỗi gian hàng cũng nên làm thương hiệu cho khách nhớ chợ mình nhiều hơn".
 
Trước khi rời chợ quê dễ mến này, chúng tôi không thể không ép bụng nạp thêm sữa xoài và kem xoài được chế biến từ xoài chín hữu cơ. Vài người đã xách lỉnh kỉnh rau, trái, bánh rồi mà cũng ráng ghé gian hàng thực phẩm chế biến từ những nông sản đặc trưng địa phương, mua thêm bột ngũ cốc hạt sen, bột sữa hạt sen, kẹo xoài, kẹo nhãn… 
 
"Không chỉ bị hấp dẫn bởi ẩm thực chợ quê và yêu tính chân chất vốn có của người dân trên cù lao, chúng tôi còn quý sự nhiệt tình của đội ngũ phục vụ hoạt động chợ và ý thức bảo vệ môi trường của những người bán hàng.
 
Bài và ảnh: Các Ngọc (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu