Thứ sáu, 24/05/2019,09:34 (GMT+7)
Để doanh nghiệp mặn mà với thương hiệu gạo quốc gia
Ngành nông nghiệp đã và sẽ chi ra một số tiền không hề nhỏ để xây dựng, quản lý thương hiệu gạo Việt. Thế nhưng, đứng ở góc độ doanh nghiệp - những người thụ hưởng và sử dụng thương hiệu này trong giao dịch - vẫn tỏ ra không mặn mà.

Sản phẩm gạo của doanh nghiệp được trưng bày tại một sự kiện của ngành nông nghiệp. 

Gần 130 tỉ đồng cho thương hiệu gạo quốc gia

 Liên quan đến việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, dự thảo đề cương quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã đề ra mức kinh phí để thực hiện lên đến 129,7 tỉ đồng, trong đó, bao gồm năm hợp phần: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long; bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Đề cương dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam được đưa ra nhằm xây dựng, quản lý và khai thác thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần nâng cao vị trí, giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gạo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức và tập thể.

Một trong những nội dung quan trọng gắn liền với đề cương nêu trên, đó là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho tổ chức cuộc thi “Sáng tác biểu trưng “logo” quốc gia gạo Việt Nam”, mà cụ thể vào thời điểm cuối năm ngoái, tại Festival lúa gạo lần 3 được tổ chức tại tỉnh Long An. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt, đánh dấu cột mốc gạo Việt Nam chính thức có thương hiệu, sau hàng chục năm tham gia vào thị trường xuất khẩu và giữ vị trí thứ hai, thứ ba trên thế giới.

“Cuộc chơi” khó cho thương hiệu gạo Việt

Dù đã chính thức được công bố thương hiệu gạo Việt, nhưng cho đến nay việc sử dụng logo gạo Việt vẫn chưa được triển khai, thậm chí doanh nghiệp tỏ ra khá “thờ ơ”.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đơn vị được giao quản lý thương hiệu gạo Việt thừa nhận, chưa triển khai được vì chưa có hướng dẫn. “Có khả năng phải chờ thêm hai năm nữa vì phải chờ Cục Sở hữu trí tuệ ra văn bản” - ông Nam nói.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, trong bối cảnh chung của hoạt động kinh doanh gạo Việt Nam trên thị trường thế giới hiện nay vẫn là thông qua các thương nhân nước ngoài, cho nên, việc đưa logo gạo Việt như một cách định danh và tạo khả năng nhận diện gạo Việt đối với người tiêu dùng trên thị trường thế giới là không dễ dàng.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Lâu nay đối với những thị trường xuất khẩu tập trung như Philippines, Malaysia, Indonesia… gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ được ghi dòng chữ “gạo xuất xứ Việt Nam” trên bao bì khi cập cảng. Còn khi phân phối ở thị trường nước ngoài, các nhà phân phối đóng nhãn mác của họ chứ không để thương hiệu của doanh nghiệp Việt.

Theo ông Bình, dù mỗi năm Việt Nam cung cấp khoảng 6 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới, nhưng có chưa đến 500.000 tấn được mang thương hiệu của doanh nghiệp đến tới tay người tiêu dùng các nước nhập khẩu. “Vì chúng ta kinh doanh theo kiểu chúng ta cần bán hàng thì phải chấp nhận tất cả những yêu cầu của đơn vị phân phối ở nước nhập khẩu. Trong khi đó, họ không muốn giới thiệu thương hiệu gạo Việt Nam đến với người tiêu dùng mà chỉ muốn quảng bá nhãn mác của họ mà thôi” - ông Bình giải thích.

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Cổ phần Phân tích thị trường (Agromonitor), cho rằng, việc xây dựng thương hiệu gạo vẫn hết sức khó khăn. “Tôi biết có một số doanh nghiệp trực tiếp đưa được gạo đến người tiêu dùng nước nhập khẩu nhưng số lượng đó là rất nhỏ và cũng rất khó có thể đạt tới quy mô lớn” - theo ông Diệu, đây là bài toán liên quan đến rất nhiều yếu tố bao gồm cả vấn đề tài chính.

Còn thông tin từ ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Phước Thành IV, gần đây đã có doanh nghiệp tiên phong lập liên danh với đối tác nước nhập khẩu để đồng sở hữu thương hiệu gạo. Đây cũng được xem là một hướng mở cho việc định danh gạo Việt với người tiêu dùng các nước nhập khẩu. Bản thân Phước Thành IV cũng chuẩn bị “bắt tay” với một đối tác Trung Quốc để đồng sáng lập một thương hiệu gạo khi bán tại thị trường nước này.

Nhìn vấn đề trên bình diện rộng hơn, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng, để có thể trực tiếp đưa thương hiệu gạo Việt vào thị trường các nước, thì cần có sự đàm phán, thỏa thuận quy định việc sử dụng, lưu thông thương hiệu gạo giữa Việt Nam và nước nhập khẩu. “Logo thương hiệu gắn vào sản phẩm là để cho người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm, nhưng người ta có cho gắn hay không thì phải có sự đàm phán giữa bên bán và bên mua” - ông Bình nói. 

Bài, ảnh: T.C - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu