Tiểu thương chợ Cái Răng giới thiệu sản phẩm Việt cho người tiêu dùng.
Theo kết quả cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ truyền thống là 31% vào năm 2016, đến năm 2017 giảm còn 11% và hiện nay chỉ còn 10%. Theo các chuyên gia kinh tế, sức mua hàng hóa ở chợ truyền thống giảm do sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại cũng như hoạt động thương mại điện tử. Do đó, để chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu, đòi hỏi các ngành chức năng và cả tiểu thương phải thay đổi cả về hình thức và chất lượng hoạt động để thu hút người tiêu dùng.
Thời gian qua, Sở Công thương TP Cần Thơ đã phối hợp cùng với các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp, tham gia đầu tư xây dựng và khai thác chợ. Đến nay, Cần Thơ đã có nhiều chợ được đầu tư ngày càng hoàn thiện cơ sở vật chất, theo tiêu chí chợ văn minh, hiện đại… Từ đó, không chỉ tạo sự thoải mái, thuận tiện cho hoạt động mua bán của tiểu thương mà còn góp phần gia tăng sức tiêu thụ hàng Việt tại các chợ truyền thống so với trước đây. Điển hình, như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Du lịch MeKong-Chi nhánh Cần Thơ đã xây dựng mới chợ Cái Răng và đưa vào sử dụng 3 nhà lồng, gồm: 1 nhà lồng chuyên doanh quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm; 1 nhà lồng chuyên kinh doanh bách hóa tổng hợp và 1 nhà lồng kinh doanh rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Cả 3 nhà lồng có 327 lô, sạp được đầu tư khá hoàn thiện hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh công cộng, thu gom rác thải, bảo đảm an toàn vệ sinh, giúp tiểu thương có nơi mua bán văn minh, hiện đại hơn. Song song đó, Ban Quản lý chợ Cái Răng còn vận động tiểu thương chọn nguồn hàng kinh doanh có chất lượng, bán hàng đúng giá niêm yết; tư vấn và hướng dẫn khách hàng lựa chọn hàng hóa có xuất xứ hàng hóa và có thương hiệu rõ ràng… Cô Lương Thị Chi, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Cái Răng, cho biết: “Tiểu thương rất coi trọng đến việc chọn sản phẩm chất lượng, nhất là các sản phẩm Việt có thương hiệu với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không những vậy, tiểu thương thường hay mời khách dùng thử nước tương, nước mắm hay các loại cà phê mới… của các nhà sản xuất Việt. Qua đó, giúp khách hàng yên tâm lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm Việt và chọn chợ truyền thống là điểm mua sắm tin cậy.
Chợ An Thới, quận Bình Thủy được Công ty cổ phần Đầu tư chợ Cửu Long đầu tư và khai thác vào năm 2012 với 551 lô, sạp bày bán đa dạng các mặt hàng từ các loại rau củ, trái cây, thịt, cá đến các mặt hàng hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... đều được sắp xếp có thứ tự và bắt mắt. Ngoài ra, năm 2015, chợ An Thới còn được ngành chức năng thành phố hỗ trợ xây dựng mô hình chợ thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, tất cả các mặt hàng đều được kiểm soát về chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả được niêm yết rõ ràng… đáp ứng xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Chị Hứa Ngọc Yến, tiểu thương bán hàng tạp hóa tại chợ An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tiêu chí an toàn sức khỏe nên tiểu thương phải đặt “chữ tín” lên hàng đầu trong mua bán kinh doanh. Do đó, mỗi khi nhập hàng về bán, tiểu thương không chỉ quan tâm đến xuất xứ hàng hóa, chất lượng của thương hiệu Việt mà còn chú trọng đến việc niêm yết giá bán… Chị Trần Thị Phương, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cho biết: Mỗi khi đi mua sắm đồ gia dụng từ cái thau, cái rổ đến các loại nước mắm, nước tương, mì gói,… tại chợ An Thới, tôi dễ dàng chọn được món đồ cần mua nhanh chóng mà chẳng cần phải trả giá. Bởi hầu hết các lô, sạp tại chợ An Thới được phân theo từng ngành hàng khá tiện nghi, hàng hóa và nhất là các sản phẩm Việt được tiểu thương bài trí ở các vị trí đẹp và dễ nhìn, giá cả cũng được niêm yết rõ ràng.
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, đa phần, các chợ truyền thống, nhất là các chợ được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố đều thực hiện tốt chức năng phân phối, bán lẻ và lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Song, để nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý chợ, các ngành chức năng thành phố đã phối hợp cùng với các địa phương và các doanh nghiệp tích cực tuyên truyền về tiêu chí chợ văn minh, phổ biến các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm cho tiểu thương mua bán kinh doanh tại chợ truyền thống. Bên cạnh đó, ban quản lý chợ truyền thống còn phối hợp các ngành chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng rau củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm; yêu cầu bà con tiểu thương kinh doanh hàng bách hóa tổng hợp niêm yết giá rõ ràng; đồng thời, yêu cầu tiểu thương chấp hành các quy định về kinh doanh hàng hóa, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; tăng cường thực hiện tiêu chí văn minh thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện toàn thành phố có 107 chợ truyền thống kinh doanh với hơn 85% hàng may mặc, hàng gia dụng, thực phẩm tươi sống, chế biến đóng gói... là hàng Việt Nam. Đây chính là một những kênh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần phát huy hiệu quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố.