Thứ sáu, 07/08/2020,10:31 (GMT+7)
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 3: Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, xã hội
Bức tranh màu tối về tuyển sinh khối trường nghề đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc hệ thống, tránh trùng lặp để mang lại hiệu quả. Trong đó, nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; cùng tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu vào, chương trình đào tạo… giúp người học ra trường tiếp cận được thị trường lao động, có việc làm ổn định.
Không tách rời doanh nghiệp
 
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Công ty cổ phần Quản lý và Khai thác tòa nhà VNPT-PMC, cho biết công ty liên kết hợp tác với các trường: Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, CĐ Lý Tự Trọng để “đôi bên cùng có lợi”. “Doanh nghiệp (DN) có nguồn để tuyển dụng mà không phải mất nhiều thời gian tìm ứng viên và SV cũng có cơ hội việc làm ngay từ khi thực tập hoặc ngay sau tốt nghiệp” - ông Hiệp nhấn mạnh.
 
Trưởng ban Nhân lực Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) Dương Trọng Bình cho rằng, ngoài hợp tác chiến lược với các trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu trong nước, VNPT Technology còn thường xuyên liên kết với các trường, trung tâm đào tạo nghề để thúc đẩy hợp tác, tuyển dụng, thu hút công nhân lao động có tay nghề sau tốt nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của công ty.
 
Theo ông Dương Trọng Bình, để gắn kết hơn nữa việc đào tạo và sử dụng lao động tại DN, các trường nghề cần thiết lập bộ phận chuyên trách có trách nhiệm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững với DN. Mời giám đốc điều hành, chuyên gia của các DN tham gia giảng dạy, tham gia hội đồng tư vấn… đóng góp ý kiến về hoạt động của nhà trường từ góc nhìn DN trong việc xây dựng, phản biện chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học, biên soạn và cải tiến giáo trình phù hợp…
 
TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng, liên kết với DN để giải quyết việc làm cho HS-SV sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu, từ đó thu hút tuyển sinh. “Chúng tôi chủ động liên hệ, làm việc với các KCX-KCN, DN trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận để thu thập thông tin tuyển dụng của gần 1.000 DN; đồng thời kết nối với họ để tạo cơ hội học tập, tham quan thực tập và tham dự tuyển dụng cho HS-SV. Khảo sát trong 2 năm gần đây, số HS-SV tốt nghiệp của trường có việc làm phù hợp sau 12 tháng là 90%” - TS Lộc nói.
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 3: Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, xã hội ảnh 1
Thầy Đỗ Hữu Nhân, Phó Trưởng khoa Điện - Tự động hóa, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, hướng dẫn hệ thống MPS cơ điện tử - Festo cho sinh viên. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 
Tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (HOTEC), nhà trường xem mối liên kết giữa HOTEC với DN có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đào tạo, tạo việc làm ngay khi HS-SV tốt nghiệp. TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong quá trình đào tạo, DN tham gia vào Hội đồng khoa của các khoa để đóng góp, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn. Giảng viên hàng năm có 4 tháng thực tập tại DN để liên tục cập nhật kiến thức mới; HS-SV tùy theo từng ngành có thời lượng thực hành từ 50%-70% tại các DN.
 
Bằng phương pháp này, 5 năm qua có trên 10.000 HS-SV các bậc học, ngành học tốt nghiệp ra trường; trên 90% người học có việc làm ổn định và đúng ngành nghề. 100% cán bộ quản lý, GV đạt trình độ trên chuẩn. Một số ngành như Cơ điện tử của HOTEC đã được Bộ LĐTB-XH và TPHCM phê duyệt đầu tư trở thành ngành mũi nhọn của thành phố.
 
Loại bỏ trường yếu kém
 
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB-XH, tính hết năm 2019, cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó, gần 400 trường CĐ, hơn 550 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có hàng ngàn cơ sở GDNN cấp quận huyện. Do trải rộng và bao phủ như vậy, nên quản lý nhà nước đối với GDNN còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.
 
Tổng cục đánh giá, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng; hiệu quả GDNN còn thấp, nhiều chương trình được đầu tư nhưng thiếu tính kế thừa; chương trình thuộc nhiều dự án dạy nghề thiếu phát triển nhân rộng; nhiều cơ sở GDNN được đầu tư rất lớn, thiết bị hiện đại nhưng không phù hợp hoặc không tuyển sinh được.
 
Quản lý GDNN có những đổi mới nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do chia cắt trong quản lý nhiều năm, dẫn đến nguồn lực đầu tư bị dàn trải, không phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước. Mặt khác, năng lực xây dựng chiến lược và thực hiện chiến lược nhiều hạn chế trong xác định bối cảnh, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện; thiếu sự đồng thuận về tầm nhìn phát triển GDNN cũng như sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan, giữa trung ương và chính quyền địa phương...
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bất cập trên chính là công tác quy hoạch phát triển GDNN, bao gồm mạng lưới các trường, phân bố theo ngành kinh tế và theo lãnh thổ; ngành nghề đào tạo trong các trường, cũng như cơ chế phối hợp công - tư trong GDNN chưa thật rõ ràng, thiếu định hướng chiến lược.
 
Đến nay, Bộ LĐTB-XH đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng. Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, việc sắp xếp lại hệ thống GDNN nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt ở các địa phương khó khăn và nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, việc duy trì nhiều trường CĐ, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước.
 
Bên cạnh đó, sẽ từng bước chuyển trường CĐ, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành trung ương về địa phương quản lý (đối với các trường đóng trên địa bàn địa phương mà nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các trường do địa phương quản lý). Song song đó, Bộ LĐTB-XH khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên DN thành lập cơ sở GDNN.
 
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, hệ thống GDNN thành phố sẽ sắp xếp lại theo đề án quy hoạch do sở soạn thảo, hiện đang được thẩm định tại các sở ngành, trước khi trình lên UBND thành phố, với tổng kinh phí gần 1.100 tỷ đồng. Việc quy hoạch lại hệ thống GDNN bao gồm cả việc giải thể các trường trung cấp, CĐ hoạt động không hiệu quả, không tuyển sinh được trong nhiều năm.
 
TS Nguyễn Quang Tiệp, Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Sài Gòn: 
 
Hiện tại, các trường trung cấp tư thục sợ bị cắt giảm hoặc xóa bỏ, nhưng vẫn phải cố gắng hoạt động. Chúng tôi mong muốn Bộ LĐTB-XH và các cơ quan quản lý có định hướng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho trường tư thục phát triển. Chúng tôi không mong muốn xóa bỏ các trường không đủ tiêu chuẩn, bởi vì các trường cũng đã đầu tư nhiều tiền bạc và tâm huyết vào đó.
 
TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II: 
 
Đề án sắp xếp trường nghề sẽ tạo ra cơ hội mới cho hệ thống GDNN ở Việt Nam trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, đề án cũng sẽ tạo cơ hội mới cho các trường trong việc tuyển sinh, đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ sự vận hành của thị trường lao động. Đề án sắp xếp trường nghề chắc chắn có tác động tích cực đến việc phát triển GDNN trước bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
 
Th.S Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao: 
 
Đề án sắp xếp lại các cơ sở GDNN, theo tôi, là tín hiệu tích cực với hệ thống GDNN. Bởi hiện nay, mạng lưới trường đại học mở ra nhiều nên nguồn tuyển cho các trường CĐ, trung cấp thuộc hệ thống GDNN không nhiều như trước. Bên cạnh đó, việc sáp nhập sẽ có ưu điểm là tránh đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, lưu ý không nên sắp xếp cơ học mà cần phải tính toán kỹ đặc thù từng khu vực, vùng miền. Nếu làm không khéo sẽ gây mất đoàn kết, ảnh hưởng nội bộ trường.
 
QUANG HUY - KIM HUYỀN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu