Thứ năm, 06/08/2020,07:33 (GMT+7)
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 2: Né nghề để kiếm đường vào đại học
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ năm 2017, tạo thuận lợi cho các trường nghề được quyền tự quyết về hình thức tuyển sinh. Thế nhưng, để lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là bài toán khó, khi các trường phải cạnh tranh cật lực mà vẫn không thể hút người học. Sự cạnh tranh không chỉ xảy ra giữa các trường nghề với nhau, mà còn với cả trường đại học. Trong cuộc cạnh tranh này, trường nghề luôn yếu thế.
“Hy vọng” ở mô hình 9+
 
Ông Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Phú Yên kể, trường tuyển sinh Chương trình 9+ rất khó vì khảo sát số học sinh (HS) không đậu lớp 10 thì có đến 80% đăng ký học trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), chỉ 20% là muốn học nghề. Với phụ huynh thì có đến 99% muốn con học GDTX lấy bằng tốt nghiệp THPT để có cơ hội đi học đại học.
 
“Trường có liên kết với trung tâm GDTX để đào tạo văn hóa cho các em học nghề, có tổng số 150 em chuẩn bị thi tốt nghiệp năm 2020 thì… có đến 120 em đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học. Vậy thì còn nguồn nào cho chúng tôi tuyển nữa?” - ông Phong đau đáu.
 
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Vỹ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn (Bình Định), cho rằng, tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, nguồn tuyển dồi dào hơn, ngay cả ở đối tượng tốt nghiệp THCS.
 
Ông than thở: “Tại Bình Định có khoảng 15% HS không đậu lớp 10 thì chủ yếu học GDTX, ít em nào chọn học nghề. Nếu phụ huynh muốn con vào trường nghề, vấn đề đầu tiên được họ đặt ra là học văn hóa trong trường nghề có được cấp bằng THPT không, nếu không, phụ huynh không đăng ký. Trong khi chức năng chính của trường nghề là đào tạo nghề chứ không được cấp bằng THPT, nên muốn vậy các trường CĐ, trung cấp (TC) phải liên kết với Trung tâm GDTX để đáp ứng nhu cầu này.
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 2: Né nghề để kiếm đường vào đại học ảnh 1
Cô Đỗ Thị Phương Nhi và học sinh lớp CT 19DN1 (hệ TC đầu bếp), Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY
 
Bức tranh năm học 2019-2020 tại TPHCM có 97.300 HS lớp 9, trong đó có trên 82.000 em tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021, đồng nghĩa với việc có trên 15.000 em rẽ hướng đi học nghề, học tại trung tâm GDTX, hoặc các trường tư thục. Để tận dụng nguồn lực này, theo TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TPHCM), điều quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền đến phụ huynh để phụ huynh hiểu được những ưu thế trong học nghề, hiểu được học nghề là con đường lập nghiệp nhanh nhất.
 
“Với thời gian từ 3,5 năm đến 4 năm, các em đã có được bằng CĐ và được doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập cao ở rất nhiều ngành nghề, như công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, kế toán, du lịch… Trong quá trình đi làm, nếu muốn liên thông lấy bằng đại học, các em chỉ mất thêm 1,5 năm nữa”, TS Phạm Hữu Lộc cho biết.
 
Nan giải bài toán giữ chân người học
 
Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, năm 2017, bậc CĐ tại thành phố có 15.609 sinh viên (SV) và bậc TC có 13.148 HS tốt nghiệp, tức chỉ đạt hơn 50% so với số lượng đầu vào. 50% đã “rơi rụng” dần trong quá trình học từ 2-3 năm, tùy theo mô hình đào tạo. Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp bậc CĐ tăng so với 2017, tương ứng 16.304, nhưng trung cấp thì sụt giảm thê thảm còn 10.910 HS. Năm 2019, tỷ lệ có khá hơn nhưng số HS-SV nghỉ, bỏ học vẫn dao động ở con số 20%-30% tùy vào chất lượng đào tạo của từng trường.
 
Cụ thể, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng nhiều năm nay vốn tự hào là một ngôi trường có uy tín trong đào tạo nghề, nhưng giờ lãnh đạo nhà trường cũng phải ngậm ngùi khi đề cập tới chuyện HS-SV bỏ học. Năm học 2015-2016, tỷ lệ HS-SV bỏ học tới 22,56%; năm 2016-2017 là 17,66%.
 
Hay tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, mỗi năm “xóa tên” 300 - 400 HS-SV. Trường TC nghề Hùng Vương là địa chỉ đào tạo nghề uy tín, chất lượng đầu vào cao, có nhiều em đoạt giải khi tham dự kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, quốc tế. Nhiều năm liên tục vượt chỉ tiêu Bộ LĐTB-XH giao, như năm học 2019-2020, trường tuyển được 777/750 chỉ tiêu, đặc biệt trong số này, có 483 HS (62%) đăng ký học các nghề trọng điểm.
 
Dù vậy, ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường vẫn không hết lo ngại về số lượng HS bỏ học trong những năm gần đây, khi có khoảng 20%-25% HS bỏ học. Tại trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, mỗi năm cũng có từ 20% - 30% HS hệ TC sau THCS bỏ học. Dù có khả quan hơn các trường bạn nhưng tỷ lệ bỏ học giữa chừng tại Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng dao động 15% - 18%/năm.
 
"Đối tượng tuyển sinh Chương trình 9+ là học sinh 15-16 tuổi, độ tuổi vẫn phụ thuộc nhiều vào định hướng của phụ huynh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa mặn mà tuyển dụng các em. Đây chính là nỗi khổ chung của rất nhiều trường CĐ, TC trong nhiều năm qua, khi nguồn tuyển từ đối tượng tốt nghiệp THPT đã gần như đóng lại vì đại học mở rộng cánh cửa, nguồn tuyển từ đối tượng THCS lại gặp phải rào cản tâm lý", bà NGUYỄN THỊ LÝ, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TPHCM)
 
Để giữ chân HS-SV, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho biết, bên cạnh việc rà soát, bổ sung, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ người học, đồng thời đáp ứng nhu cầu của DN, nhà trường còn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng. Đặc biệt là đáp ứng tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm ASEAN và quốc tế, nâng cấp đạt chuẩn trường chất lượng cao đến năm 2025. Còn Trường TC nghề Hùng Vương, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ đào tạo, cam kết giới thiệu việc làm… còn kết nối chặt chẽ với gia đình HS để hỗ trợ HS-SV khi gặp khó khăn. Ngoài ra, việc thành lập các sân chơi, CLB khoa học - kỹ thuật, thi tay nghề… cũng là cách để giữ chân người học.
 
Theo đánh giá trong báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, tuyển sinh trên cả nước nhìn chung còn gặp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của tuyển sinh ĐH. Cụ thể, phương thức tuyển sinh ĐH có nhiều sự thay đổi (nhiều trường chỉ xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài) đã thu hút sự quan tâm HS vào học, gây áp lực cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh. Hệ quả là nhiều trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được dưới 20% chỉ tiêu.
 
Bản thân trường nghề cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là các trường chưa thực sự năng động, tích cực trong việc đổi mới, tìm kiếm nguồn tuyển sinh cũng như chưa tạo được sức hút với người học. Nếu xã hội chờ mong trường nghề là “vườn ươm” lao động có tay nghề, kỹ năng cho DN và được DN quan tâm, đón nhận sau tốt nghiệp, thì xét về góc độ này, tính kết nối giữa trường nghề và DN chưa cao.
 
Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:
 
29 trường tuyển sinh dưới 20% chỉ tiêu
 
Năm 2018 hệ thống trường nghề toàn thành phố tuyển sinh được gần 490.000 HS-SV. Về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2018 vượt chỉ tiêu đề ra nhưng ở trình độ TC chỉ đạt 80,81% chỉ tiêu. Có 20/64 trường tuyển đạt từ 50% trở lên; 15/64 trường tuyển đạt từ 20% đến dưới 50%; 45,31% trường tuyển đạt dưới 20% chỉ tiêu.
 
So với năm 2018, công tác tuyển sinh các trình độ đào tạo khối giáo dục nghề nghiệp năm 2019 đạt 509.550 HS-SV, trong đó đào tạo thường xuyên và sơ cấp tăng 11,29%. Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh bậc CĐ lại giảm 25,89%, TC giảm 24%.
QUANG HUY - KIM HUYỀN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu