Nghị định 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe quy định: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy.
Giáo viên dạy thực hành lái xe ôtô có thể chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe và có số giờ lái xe an toàn theo quy định
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn này, đa số các chuyên gia và trung tâm đào tạo lái xe khẳng định hiện nay không một giáo viên dạy lái xe thực hành nào đáp ứng được. Vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia không ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái xe ôtô.
Để gỡ khó cho các trung tâm đào tạo lái xe, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016/NĐ-CP đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của giáo viên dạy thực hành lái xe là: Tốt nghiệp trung học phổ thông, có 50.000 km lái xe an toàn trở lên; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1 hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên.
Thay vì gắn quá nhiều trách nhiệm cho Sở GTVT trong quản lý, kiểm tra, giám sát đào tạo, dẫn đến quá tải, tại lần sửa đổi Nghị định 65 lần này, Bộ GTVT cũng đề xuất nhiều quy định theo hướng phân rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giáo viên. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, chương trình đào tạo của mình, có đúng, có đủ hay không.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, những người đã có trình độ văn hóa trung cấp thường không mặn mà với nghề dạy lái xe ôtô. Điều này dẫn đến thực trạng thiếu giáo viên dạy thực hành lái xe, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam.
Ông Thống cho rằng xét về bản chất, học lái xe ôtô cũng chỉ là học nghề. Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép giáo viên có trình độ trung cấp hoặc công nhân có kỹ năng nghề bậc cao từ bậc 3 trở lên. Thậm chí, người công nhân có kỹ năng nghề cao, không tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn được đi dạy.
Theo ông Thống, trong đào tạo lái xe không có tay nghề bậc cao nên Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ cho phép hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe ôtô theo hướng từ yêu cầu phải có bằng trung cấp hạ xuống chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, có giấy phép lái xe, có thâm niên 3 năm.
Bên cạnh đó, giáo viên phải qua tập huấn, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Những quy định này đã đảm bảo điều kiện giảng dạy của giáo viên dạy thực hành và đảm bảo tính chặt chẽ, không lo ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng tiêu chí tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP gây khó trong quản lý, phát sinh tiêu cực, nhiều giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm trong dạy thực hành lái xe nhưng không có bằng trung cấp, bắt buộc họ phải tìm cách hợp thức hóa. Hay cơ sở đào tạo muốn điều kiện được cấp phép hoạt động phải tìm cách lách, đi thuê bằng của người khác, làm phát sinh chi phí, tốn kém cho xã hội.
"Việc bỏ quy định bằng trung cấp sẽ tránh cho cơ sở đào tạo phải đối phó và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy lái xe"- ông Quyền nói.