Thứ hai, 09/01/2023,11:16 (GMT+7)
Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày
Bộ Công Thương đã đề xuất phương án mới về kỳ điều hành giá xăng dầu để bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới
 
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
 
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất về rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Theo quy định tại Nghị định 95 đang được áp dụng hiện nay, mỗi tháng có 3 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước, vào các ngày 1, 11 và 21.
 
Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày - Ảnh 1.
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống còn 7 ngày
 
Trong các phương án sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất phương án thứ nhất là giữ nguyên các kỳ điều hành giá như trên, có nghĩa thời gian giữa mỗi kỳ điều hành cách nhau 10 ngày.
 
Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn khoảng cách giữa các kỳ điều hành từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, thực hiện vào ngày cụ thể trong tuần.
 
Theo Bộ Công Thương, với phương án rút xuống còn 7 ngày sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.
 
Nhược điểm của phương án, theo Bộ Công Thương, là không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu (từ 10-15 ngày), khi thị trường bất ổn với xu hướng bất lợi, kỳ điều hành quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh. Cơ quan này cũng nêu rõ doanh nghiệp cũng khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu, nhất là khi chu kỳ giá đi xuống.
 
Theo quan điểm của Bộ Công Thuơng, cơ quan này lựa chọn phương án thứ 2, tức là rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
 
Trong năm 2022, thị trường xăng dầu xuất hiện tình trạng khan hàng cục bộ. Đặc biệt trong tháng 10 và 11, nguồn cung xăng dầu ở TP HCM, các tỉnh, thành phố phía Nam và sau đó là Hà Nội gặp trục trặc. Người dân phải xếp hàng dài để chờ mua xăng dầu trong bối cảnh không ít cửa hàng tạm dừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt do thiếu nguồn.
 
Bên cạnh vấn đề chiết khấu, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc điều hành giá chưa bám sát diễn biến thị trường thế giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường xăng dầu trong nước gặp vấn đề về nguồn cung.
 
Liên quan đến những bất cập trong quy định kinh doanh xăng dầu, tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
 
Minh Chiến (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu