Thứ bảy, 21/03/2020,13:05 (GMT+7)
Đề xuất thực hiện cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong vòng 24 tháng
Ngày 21-3, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đơn vị đang triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đơn vị này đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai đoạn tiếp nối là dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm bảo đảm thông toàn tuyến TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đúng tiến độ.
 
Hiện nay, trên tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công phần đường dẫn và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang trong quá trình chuẩn bị.
 
Trong đó, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23km, với tổng mức đầu tư 4.758 tỷ đồng, điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư thì các dự án triển khai theo phương thức đối tác công-tư (PPP) hiện nay điều khó khăn về nguồn vốn huy động từ các ngân hàng. Đây chính là một “điểm nghẽn”, cần có giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ tình trạng này. Điển hình như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, công trình được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng mãi đến gần đây mới hợp vốn cho vay từ 4 ngân hàng.
 
Đề xuất thực hiện cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong vòng 24 tháng
Thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
 
Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, hướng đến mục tiêu hoàn thành đồng bộ cùng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng, đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp nên được kết nối vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
 
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đề xuất điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.
 
Về cơ cấu vốn cho dự án này, nếu vốn ngân sách Nhà nước tham gia 50%, tức là khoảng 2.400 tỷ đồng, phần còn lại doanh nghiệp dự án sẽ cùng các đối tác là các nhà đầu tư, nhà thầu huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời, quyết tâm thực hiện thông tuyến dự án vào năm 2021.
 
Nhà đầu tư cho biết sẽ rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng so với trình tự thông thường là 41 tháng, hoàn thành trong năm 2022, góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
MẠNH HƯNG link - (qdnd.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu