Thứ sáu, 15/06/2018,09:54 (GMT+7)
Dịch bệnh đe dọa vụ lúa ĐBSCL
Nhiều địa phương ở ĐBSCL xuống giống lúa vụ hè thu sớm với hy vọng thu về lợi nhuận tốt nhưng đang đối mặt nguy cơ giảm năng suất, tăng chi phí vì dịch bệnh

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với tháng 4-2018, giá lúa tại ĐBSCL cuối tháng 5 tăng nhẹ: lúa thường tăng 100-200 đồng/kg, lúa chất lượng cao tăng 400-500 đồng/kg.

Trúng mùa, được giá

Tại An Giang, lúa IR50404 có giá 5.500 đồng/kg (lúa ướt). Tại Vĩnh Long, lúa đông xuân giống IR50404 giá 5.400 đồng/kg, lúa khô 6.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa OM 4218 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.700-6.800 đồng/kg, lúa OM 6976 giá 6.600-6.700 đồng/kg, lúa Jasmine ổn định ở mức 6.600-6.800 đồng/kg...

Theo ông Trần Văn Chính - ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long - lúa hè thu giống IR 50404 chưa thu hoạch nhưng đã có thương lái đặt mua với giá 5.300 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1.000 đồng/kg.

Vụ đông xuân vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nam - xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - gieo sạ hơn 1 ha lúa hạt dài, được một doanh nghiệp ở An Giang ký hợp đồng bao tiêu với giá 5.800 đồng/kg. Theo tính toán của ông Nam, với mức giá này, gia đình ông lãi ít nhất 20 triệu đồng/ha. "Lúa vụ đông xuân trúng mùa, chi phí sản xuất giảm nên lợi nhuận rất tốt. So với vụ trước, vụ này lãi gấp đôi nên bà con rất phấn khởi và tranh thủ xuống giống sớm" - ông Nam cho biết.

Dịch bệnh đe dọa vụ lúa ĐBSCL - Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu sớmẢnh: THỐT NỐT

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, vụ đông xuân vừa qua, toàn tỉnh xuống giống hơn 205.000 ha lúa các loại và đã thu hoạch xong từ hơn 1 tháng trước, năng suất bình quân hơn 7 tấn/ha. Lúa được giá nên nông dân tranh thủ xuống giống vụ hè thu sớm, diện tích tăng gần 5.000 ha so với kế hoạch. Toàn tỉnh đã có gần 44.000 ha lúa bắt đầu thu hoạch, năng suất giảm so với vụ trước gần 1 tấn/ha nhưng bù lại, giá bán cao hơn 700-800 đồng/kg (cao nhất là lúa chất lượng cao với 6.500 đồng/kg và 5.500 đồng/kg lúa thường).

Thời tiết bất lợi

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho hay nông dân tỉnh này cũng đã xuống giống dứt điểm vụ hè thu với tổng diện tích hơn 228.000 ha. Hai huyện miền núi là Tri Tôn và Tịnh Biên bắt đầu thu hoạch đại trà đợt đầu hơn 1.000 ha, ước tính năng suất bình quân 6,2 tấn/ha. Thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi với giá dao động 5.800-6.000 đồng/kg.

"Chúng tôi mong giá lúa ổn định đến cuối vụ để bà con nông dân lãi cao. Tuy nhiên, hiện tình hình thời tiết bất lợi nên phát sinh nhiều dịch bệnh trên cây lúa và có nguy cơ làm giảm năng suất" - ông Hiền lo ngại.

Ngoài An Giang, một số địa phương xuống giống sớm đang đối mặt dịch bệnh trên cây lúa. Tại các huyện Tháp Mười, Tân Hồng và Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, gần 560 ha đã nhiễm rầy nâu. Riêng huyện Tân Hồng có hơn 2.000 ha lúa bị đạo ôn lá với nhiều mức độ khác nhau và hơn 1.600 ha bị lem lép hạt. Chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bù lạch, nhện gié, muỗi hành, bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm... cũng đang tấn công một số đồng lúa.

"Sâu bệnh thường hoành hành tại những vùng xuống giống sớm hoặc trễ theo lịch thời vụ. Nguyên nhân là do sâu rầy, côn trùng từ những ruộng lúa vụ trước chưa thu hoạch dứt điểm bay sang ruộng mới gieo sạ, làm cầu nối lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất chất lượng và tăng chi phí sản xuất. Do đó, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo bà con nông dân không nên vội vàng xuống giống sớm mà phải làm đất, vệ sinh đồng ruộng và cho đất nghỉ ngơi trong khoảng thời gian nhất định để hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, trong vụ hè thu thời tiết bất lợi, nguy cơ dịch bệnh càng tăng. Nếu sản xuất theo kiểu gối vụ thì dịch bệnh xảy ra nhiều" - ông Hiền khuyến cáo. 

Không nên mở rộng diện tích

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, khuyến cáo các địa phương không nên mở rộng thêm diện tích trồng lúa để tránh tình trạng dôi dư, mất giá trong thời gian tới. Theo ông Xuân, nhiều nước trên thế giới đang mất mùa do biến đổi khí hậu, các nước Đông Nam Á cũng thiếu nguồn gạo dự trữ nên phải ký hợp đồng mua gạo Việt Nam nên giá lúa gạo trong nước ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, các nước sẽ tìm cách sớm khôi phục lại sản xuất.

Nguồn: THỐT NỐT - CA LINH - (nguoiduatin.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu